Góc nhìn 06/07/2018 14:10

Áp thuế TTĐB nước ngọt là không thuyết phục

Không có bằng chứng thuyết phục chứng minh việc áp thuế đối với đồ uống có đường có thể giúp bảo vệ sức khỏe, giảm tỉ lệ béo phì và đái tháo đường.

Ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành AmCham Vietnam 

Chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan. Những quốc gia này chiếm khoảng 2% tổng số dân của khu vực.

Một số quốc gia khác như Indonesia và Philippines cũng đang cân nhắc việc đánh thuế trong nhiều năm liền, tuy nhiên việc đánh thuế vẫn chưa được thông qua và thực hiện.

Thế nhưng, những quốc gia có tỉ lệ người dân béo phì cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, không áp thuế lên nước ngọt, chủ yếu là vì các tác động do thuế suất này gây ra vẫn chưa được chứng minh. Không có cơ sở để khẳng định việc áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường sẽ giảm được tỉ lệ béo phì và đái tháo đường, thậm chí nó có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội đối với ngành công nghiệp nước giải khát và cả nền kinh tế.

Còn ở Việt Nam, tôi cho rằng, Chính phủ không nên đánh thuế TTĐB lên nước ngọt vì như thế sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đến ngành đồ uống. Không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn. Trong khi đó đã có bằng chứng chứng minh việc đánh thuế này có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Việc đánh thuế TTĐB cũng sẽ ảnh hưởng đến các cơ hội việc làm của người dân. Bạn không thể đột ngột cắt giảm sự tiêu dùng của một loại sản phẩm trừ phi có đủ các lý do thuyết phục chứng minh sự cần thiết phải làm như vậy, và đến nay chưa có lý do chính đáng nào được đưa ra.

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang đối mặt với tình trạng béo phì đang gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Và tôi ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc giáo dục người dân về lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện khỏe mạnh. 

Thế nhưng, Chính phủ không nên sử dụng các biện pháp không khoa học như đánh thuế TTĐB lên một số sản phẩm với mục đích là bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài các biện pháp như tuyên truyền và giáo dục đối với người tiêu dùng, đặc biệt là lớp trẻ, về thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh, cần yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp đầy đủ thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm và đồ uống để người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn.

Trong báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các chính phủ nên dành ưu tiên cho những biện pháp hạn chế tiếp thị các sản phẩm không lành mạnh, bao gồm các sản phẩm chứa quá nhiều đường, muối, chất béo bão hoà và chất béo chuyển hoá tới trẻ em.

Đại diện của AmCham nhất trí với quan điểm của WHO, cho rằng cần khuyến khích lối sống lành mạnh thông qua việc thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm lành mạnh. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục tại trường học về lối sống lành mạnh, bao gồm cả các hoạt động vận động thể chất, sẽ giúp học sinh hình thành lối sống lành mạnh.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *