Dòng chảy vốn 02/11/2014 19:48

Doanh nghiệp Việt Nam đã rót 5 tỷ USD đầu tư vào Lào

FICA - Đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông – lâm nghiệp và khai khoáng…

Ngày 2/11/2014, tại thành phố Qui Nhơn, Bình Định, Phân ban hợp tác Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Nam Trung Bộ của Lào. 

Tọa đàm lần này  là bước khởi động chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào vào tháng 1/2015; Đồng thời, đối thoại trao đổi giải quyết  những khó khăn vướng mắc tồn tại đối với từng dự án cụ thể ở từng địa phương của các tỉnh Trung Nam Lào để tháo gỡ nhanh chóng kịp thời cho các chủ đầu tư Việt Nam.

Tính đến nay, Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho 413 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông – lâm nghiệp và khai khoáng…  

Tổng số FDI giải ngân lũy kế của các dự án Việt Nam đến nay đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD,  tương ứng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam tại Lào, trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế Lào, tăng thu ngân sách và tạo việc làm ổn định cho trên 30 nghìn lao động của Lào.

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tập trung lớn tại khu vực Trung Nam Lào. Tính đến hết tháng 9/2014, số dự án đầu tư của Việt Nam vào khu vực Trung Nam Lào là 199 dự án, chiếm khoảng 49% tổng số dự án đầu tư vào Lào;  tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,7 tỷ USD, chiếm 95,4% tổng số FDI đăng kí của Việt Nam tại Lào.

Tính từ sau tọa đàm xúc tiến đầu tư vào khu vực Trung Nam Lào lần thứ nhất tại Chawmpasak năm 2012, đã có 36 dự án mới với tổng số vốn đầu tư là 1,53 tỷ USD được Chính phủ Lào cấp phép, gấp 1,5 lần so với năm 2012.

Nhiều dự án quy mô lớn đang được các doanh nghiệp Việt Nam tích cực triển khai như:  lĩnh vực khai khoáng (Dự án muối mỏ Kali tại Khăm muộn với tổng đầu tư gần 500 triệu USD); lĩnh vực năng lượng, thuỷ điện (điện (Có 4 dự án, tổng số vốn đầu tư là hơn 1,17 tỷ USD, chiếm 24,7% như: Dự án thủy điện Xekaman 1, Thuỷ điện Luangprabang,…);

Đầu tư cơ sở hạ tầng (Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La sang tỉnh Khămmuộn, sân bay Attopư, các dự án xây dựng đường giao thông khác), điển hình đi đầu tạo động lực cho doanh nghiệp là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương và du lịch mang tính đột phá.  

Về hợp tác thương mại, đến hết tháng 9/2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 995 triệu USD.  Riêng khu vực Trung Nam Lào, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 600 triệu USD, (tăng 48.3% so với cùng kỳ năm 2013), chiếm 60% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 190 triệu USD, nhập khẩu từ Lào đạt 410 triệu USD. Dự kiến đến hết năm 2014, kim ngạch hai chiều Việt Nam – Lào đạt 1,4 tỷ USD.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam - Lào (AVIL) cho biết, mục tiêu phấn đấu của AVIL đến 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam sang Lào phấn đấu đạt được 5,8 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 11.6%, trong đó khu vực Trung Nam Lào chiếm 95,5% (tăng trưởng 12%);

Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước phấn đấu cán đích 2 tỷ USD vào năm 2015, tăng khoảng 42% so với 2014. Trong đó, khu vực Trung Nam Lào phấn đấu đạt từ 1-1,2 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 60%), gấp khoảng 1,5 lần so với 2014)

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ hai nước sớm thống nhất ký kết Hiệp định thương mại song phương mới giữa Việt Nam và Lào trong năm 2014 và các quy chế phối hợp chung và hướng dẫn triển khai các Hiệp định hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 nước.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *