• -
Dòng chảy vốn 02/11/2014 14:47

Tội phạm chính sách, lợi ích nhóm... gây hại cho nền kinh tế

Tội phạm chính sách, tội phạm lợi ích nhóm, thâu tóm và lũng đoạn ngân hàng cũng đã và đang gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế, tài chính, tiền tệ nước ta, làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng...

Ngày 1.11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, trong đó, có rất nhiều ý kiến tập trung việc tái cơ cấu ngân hàng nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị cần chú trọng vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu. Thứ nhất, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại hối từng bước ổn định và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng nhà nước. 

Thứ hai, rủi ro do hệ thống giảm dần an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện, cơ cấu nguồn vốn dịch chuyển ổn định, các tổ chức tín dụng ít phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường. 

Thứ ba, về cơ bản Ngân hàng nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể, tài sản của nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ đổ vỡ hệ thống có thể nói tương đối khả quan và từng bước được giảm bớt. 
 

Tuy nhiên qua đó cũng cho thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Trong nguy cơ đó, cao nhất, dễ xảy ra nhất là tình hình xử lý nợ xấu, nếu không xử lý tốt thì nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống là không thể tránh khỏi.

Còn đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) thì đề xuất một số giải pháp để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Theo đó, cần tạo lập thị trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững và môi trương đầu tư, kinh doanh an toàn, thông thoáng, nhằm tạo điều kiện để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất, kinh doanh trong nước… 

Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc chuyển đổi và quy hoạch lại các dự án bất động sản khó có khả năng thực hiện trong tương lai bởi nhiều lý do khác nhau như thiếu vốn hoặc cung vượt quá cầu - nhằm giải quyết tình trạng đóng băng bất động sản, một trong những nguyên nhân chính gây vỡ nợ do không thể cân đối tài chính của người vay, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng.

Cũng theo đề xuất của ông Tính, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự phù hợp, tính đồng bộ, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, phá sản doanh nghiệp, thi hành án dân sự và cơ chế thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua chỉ chú trọng nhiều đến vấn đề tái cơ cấu tài chính, chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu quản trị và hoạt động. 
 
Do vậy, giai đoạn sắp tới cần chú trọng hơn đến vấn đề tái cơ cấu quản trị và hoạt động để hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu đảm bảo ổn định và phát triển bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu trước mắt và lâu dài trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
 
Riêng đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) lại chỉ ra thực trạng tại một số ngân hàng, trong đó một số cán bộ ngân hàng biến chất cũng đã cấu kết với đối tượng xấu dùng mọi thủ đoạn gian đối, lừa đảo để chiếm đoạt tiền của ngân hàng; sẵn sàng gian lận thương mại khi có điều kiện với những thủ đoạn không mới nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến và chưa được các cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn một cách có hiệu quả. Tội phạm chính sách, tội phạm lợi ích nhóm, thâu tóm và lũng đoạn ngân hàng cũng đã và đang gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế, tài chính, tiền tệ nước ta, làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng...
 
Về xử lý nợ xấu, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đề nghị đưa các tổ chức tín dụng hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, các tiêu chí cho vay và đánh giá tài sản đảm bảo theo tiêu chuẩn. Giải quyết nợ xấu cần phải có nguồn lực, nguồn lực ít sẽ xử lý nợ xấu kéo dài và ngược lại nếu nguồn lực lớn sẽ giải quyết nợ xấu nhanh hơn. Do đó phải có một nguồn lực nhất định để tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và nợ xấu nói riêng.
Theo đại biểu này, phải lấy nguồn lực trong cổ phần hóa các ngân hàng thương mại, hiệu quả mang lại trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các nguồn vốn khả dụng khác. 
 
Theo Phi Long
Lao động
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *