Dòng chảy vốn 25/12/2014 11:52

Bộ trưởng Nông nghiệp: “Năm 2014, ngành nông nghiệp thắng lợi toàn diện”

FICA - Ngành nông nghiệp năm 2014 đã thắng lợi toàn điện: tăng trưởng GDP ngành vượt mục tiêu, xuất khẩu lớn và quá trình tái cơ cấu đang đi đúng hướng… đó là nhận định của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tại buổi Tổng kết ngành năm 2014 sáng nay 25/12.

Báo cáo tổng kết năm 2014 và triển khai hoạt động năm 2015, Bộ NN&PTNT cho biết giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh 2010) tăng 3,6%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,3%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là (3,27%) và cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%). Có thể nói, tổng thể năm 2014 là năm ngành nông nghiệp được mùa, được giá.

 

Đã dứt cảnh: “Được mùa, mất giá”

 

Xuất khẩu có lẽ là con số đáng nói về ngành nông nghiệp năm 2014. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh: cà phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, gạo tăng 5,3% (không kể tiểu ngạch). Dự kiến, Bộ NN&PTNT đưa mục tiêu xuất khẩu toàn ngành năm 2015 sẽ đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ USD so với thành tích năm 2014 (30,8 tỷ USD).

 

Xuất khẩu tôm đang là "trụ đỡ" của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Năm 2014, xuất khẩu tôm đem về hơn 52% giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản

 

Hiện, ngành nông nghiệp đã có đóng góp 10 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản). Đây là những mặt hàng thế mạnh và được xác định là mũi nhọn xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2015 và những năm tiếp theo.

 

Chia sẻ với báo chí bên lề, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Những kết quả có được là nhờ chúng ta thực hiện tốt tái cơ cấu những giống vật nuôi, cây con và thực hiện chính sách nông thôn mới. Năm 2014, chúng ta cơ bản đã chấm dứt được tình trạng kinh niên các năm là: “được mùa mất giá, xoay chuyển thành được mùa, được giá”.

 

Bộ NN&PTNT nhận định, năm 2015 nền kinh tế nói chung, xuất khẩu lĩnh vực nông lâm thủy sản nói riêng sẽ có nhiều thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do song và đa phương của Việt Nam với nhiều đối tác, khu vực và lãnh thổ. Các thỏa thuận thương mại song phương có thể kể đến như Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (dự kiến ký kết đầu năm 2015), FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã hoàn tất và dự định được ký kết vào quý I/2015; Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 cường quốc trên thế giới mà Việt Nam tham dự với tư cách là thành viên sẽ được thảo luận và ký kết trong năm 2015.

 

Theo Bộ trưởng Phát: “Các chính sách nới bỏ biên mậu, xóa bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan cùng chính sách mở rộng thị trường, thuận lợi hóa trong tiếp cận thị trường sẽ tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông, thủy sản của Việt Nam được nhận định là có nhiều lợi thế nhất”.

 

Bên cạnh đó, các giải pháp quan trọng để tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2015 được đưa ra, trong đó tập trung lớn tái cơ cấu ngành, hàng và cây con có giá trị kinh tế cao. Nhấn mạnh phát triển những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, thế mạnh của Việt Nam. Gắn tái cơ cấu nông nghiệp với nông thôn mới.

 

Trong năm 2014, hai mặt hàng là cao su và cá tra có khó khăn, theo Bộ trưởng Phát năm 2015 sẽ tiếp tục có khó khăn hơn nữa. Chính vì thế, “Chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng để tiết giảm chi phí sản xuất và duy trì vườn cây vượt qua thời gian khó khăn. Đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu (chế biến thành phẩm) ở trong nước để tiêu thụ mủ cao su của nông dân, giảm khó khăn cho người dân. Đối với cá tra, tiếp tục thực hiện Nghị định 36/NĐ –CP của Chính phủ về chế biến sản xuất cá tra cũng như tiêu thụ trong nước để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi”, ông Phát cho biết.

 

Nông nghiệp năm 2015 sẽ tập trung hút vốn ngoại

 

Hiện, vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển doanh nghiệp đang có nhiều điểm nghẽn khiến vốn đầu tư cho nông nghiệp giảm sút, hiệu quả đầu tư giảm. Bộ trưởng Phát khẳng định, năm 2015 sẽ là năm Bộ thực hiện những bước đi đột phá, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng tái cơ cấu ngành, hàng và cây con, vật nuôi để làm động lực thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Ông Phát nhấn mạnh: “Nghị định 210, cũng như nhiều chính sách khác đã được Quốc hội thông qua gần đây về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được kỳ vọng sẽ cải thiện được tình trạng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2015 sẽ là năm chúng tôi chú trọng thực hiện cải cách nhằm thu hút FDI hơn nữa. Các chính sách đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ liên kết chuỗi: sản xuất - chế biến, doanh nghiệp – nhà nước và nhà nông, cải thiện chính sách quản lý và tăng cường hợp tác mở rộng thị trường…”

 

Ông Phát khẳng định, cơ hội làm giàu từ ngành nông nghiệp có được từ chính sách đang là rất lớn: “Vừa qua Quốc hội đã có rất nhiều quyết sách quan trọng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, giảm thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Đây là những chính sách hỗ trợ rất lớn đối với ngành, doanh nghiệp và người nông dân. Riêng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với cá tra có thể giảm chi phí cho người nuôi 1000 đồng/kg”.

 

Bộ trưởng NN&PTNT nhận định: “Năm 2015 sẽ là năm ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội lớn để chứng minh lợi thế của mình, nhưng cũng là năm mà ngành cần sốt sắng thực hiện và hoàn tất thực hiện các yêu cầu của hội nhập, trong đó đặc biệt là vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thương hiệu và khả năng tiếp cận thị trường. Không để hàng Việt Nam, hàng xuất khẩu nông sản Việt Nam mãi mang tiếng là thô sơ nữa”.

 

Những tồn tại và hạn chế trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp thời gian qua cũng được lãnh đạo bộ NN&PTNT chỉ rõ, trong đó có hai vấn đề then chốt là quá tập trung, chú trọng vào 1 – 2 thị trường chủ lực như Mỹ, EU mà bỏ quên các thị trường tiềm năng và lợi thế cho ngành nông, thủy sản của Việt Nam là Trung Đông, Đông Âu và ASEAN. Vấn đề mẫu mã, bao bì và chất lượng cần được người dân, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm. Đây là vấn đề cạnh tranh toàn diện, cạnh tranh bằng hình thức, hình ảnh và cả chất lượng. Chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm cũng là điểm yếu của các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải cải thiện nhanh chóng.

 

 Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *