Doanh nghiệp 28/11/2013 08:44

Cả trăm doanh nghiệp mắc thuế, Bộ Tài chính nói gì?

Đầu tư chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn - người trực tiếp phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực thuế của Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

Sau trường hợp CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) bị Cục thuế TPHCM ra quyết định truy thu và phạt chậm nộp 117 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với DN cổ phần hóa và niêm yết lần đầu trên thị trường chứng khoán (TTCK), hiện hàng trăm DN khác cũng đang đối mặt với nguy cơ bị truy thu thuế như BMP.

Là người trực tiếp phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực thuế của Bộ Tài chính, ông có thấy diễn biến này bất thường?

Việc cơ quan thanh tra thuế qua công tác thanh, kiểm tra phát hiện các DN kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế không đúng quy định pháp luật, nên ra quyết định truy thu thuế và phạt chậm nộp là không bất thường. Việc thanh, kiểm tra để đi đến kết luận DN có sai phạm về thuế hay không là quá trình làm việc kỹ lưỡng, dựa trên các quy định pháp luật.

Do đó, nếu DN không đồng tình với kết luận truy thu và phạt chậm nộp của cơ quan thuế, thì có quyền khiếu nại theo luật định để được giải quyết thỏa đáng.

Nhưng theo các DN, mà cụ thể như BMP, để hưởng chính sách ưu đãi thuế đối với DN cổ phần hóa và niêm yết lần đầu trên TTCK, họ đã gửi công văn xin xác nhận của cục thuế địa phương và Tổng cục Thuế. Sau khi được các cơ quan này chấp nhận, họ đã thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế, vậy tại sao bây giờ lại bất ngờ truy thu thuế, thưa ông?

Các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi thuế áp dụng đối với DN thực hiện cổ phần hóa và niêm yết lần đầu trên TTCK, trong giai đoạn trước năm 2009, khá phức tạp. Tuy nhiên, tinh thần chung là cơ quan quản lý dùng công cụ thuế để khuyến khích các DN thực hiện cổ phần hóa và niêm yết, nhằm góp phần gia tăng số lượng và chất lượng hàng hóa cho TTCK.

Có nghĩa là, việc áp dụng các chính sách thuế ưu đãi này được triển khai với các DN ở thời điểm xác định cụ thể. Thế nhưng, nhiều DN lại kê khai số thuế được hưởng ưu đãi vượt quá so với quy định cho phép. Do đó, qua công tác thanh tra, các trường hợp này bị phát hiện sai phạm, nên họ bị truy thu và phạt chậm nộp thuế là đúng quy định của pháp luật.

Theo phản ánh của các DN, gần đây, cơ quan thuế mới thay đổi chính sách ưu đãi thuế đối với DN cổ phần hóa và niêm yết lần đầu trên TTCK, nhưng lại áp dụng hồi tố các quy định này với những DN đã kê khai và hưởng chính sách ưu đãi thuế ở giai đoạn trước năm 2009. Thưa ông, phản ánh này có chính xác?

Không có chuyện đó, nguyên tắc trong áp dụng pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng là chính sách ở thời điểm nào, thì áp dụng cho các đối tượng cụ thể ở thời điểm đó, chứ không áp dụng hồi tố. Chính sách ưu đãi thuế chỉ áp dụng với DN trong một giai đoạn cụ thể, nhưng các DN lại kê khai để được hưởng ưu đãi thuế vượt quá giới hạn về thời gian theo quy định, nên mới dẫn đến bị cơ quan thuế phát hiện nhiều vi phạm như hiện nay.

Việc cơ quan thuế sau 4 - 5 năm kể từ khi DN thực hiện chính sách ưu đãi thuế mới tiến hành thanh tra, đã dẫn đến số tiền phạt chậm nộp lớn. Hơn nữa, thực hiện việc này vào thời điểm ngân sách năm nay có nguy cơ lần đầu tiên sau nhiều năm hụt thu so với dự toán, đã khiến cho DN có cảm giác cơ quan thuế đang tận thu, thưa ông?

Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, nhiệm vụ chống thất thu ngân sách được Bộ Tài chính xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Do đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là Tổng cục Thuế, cục thuế các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, để kịp thời phát hiện các sai phạm, trên cơ sở đó thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước. Việc mới đây Bộ Tài chính quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý thu thuế giá trị gia tăng, do Bộ trưởng làm Trưởng ban, cho thấy quyết tâm trong đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm thuế, đảm bảo nâng cao hiệu quả trong chống thất thu ngân sách.

Các DN đang niêm yết trên TTCK có nguy cơ bị truy thu và bị phạt chậm nộp thuế ngày một mở rộng, nên tác động tiêu cực đến uy tín của nhiều DN, cũng như quyền lợi của cổ đông, trong đó có cả cổ đông lớn Nhà nước. Bộ Tài chính có lường được những tác động này khi quyết định truy thu và phạt chậm nộp thuế hàng trăm DN, thưa ông?

Mọi DN đều bình đẳng trước pháp luật, nên khi bị phát hiện sai phạm thì buộc phải xử lý. Tôi khẳng định lại là cơ quan thuế có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra để phát hiện các sai phạm về thuế, trên cơ sở đó truy thu cho ngân sách nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật. Còn các DN nếu không đồng tình với quyết định thanh tra, kiểm tra, thì có quyền khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền, để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo Hữu Hòe

ĐTCK

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *