Doanh nghiệp 27/11/2013 20:19

Công ty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn bất ngờ ngừng hoạt động

Hai công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn của Tập đoàn Besra bất ngờ tạm ngừng hoạt động mấy ngày nay. Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là do sự cố sạt lở đất đá cản trở đường vào nhà máy. Thời gian vừa qua việc kinh doanh, sản xuất của 2 công ty trên gặp nhiều khó khăn.

Đóng cửa vì khó khăn tài chính?
 
Ngày 27/11, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã có thông báo số 637TB-13/BGM gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Phú Ninh cùng một số sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, báo cáo về tình trạng sạt lở, ngập nước khiến nhà máy khai thác vàng này phải tạm ngừng hoàn toàn việc sản xuất để khắc phục sự cố. 
 
Theo Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do ảnh hưởng của bão, lũ, vừa qua làm cho tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng trên các tuyến đường từ thành phố Tam Kỳ đến mỏ vàng Bồng Miêu và đường từ nhà máy vào khu mỏ Núi Kẽm, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. 
 
Cụ thể, đoạn đường từ xã Tam Dân đến xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh bị sạt lở nghiêm trọng, còn đoạn đường từ văn phòng công ty và nhà máy chế biến vào khu vực hầm mỏ bị sạt lở lớn ở 2 địa điểm. Việc này khiến phương tiện chủ yếu phục vụ sản xuất và đưa đón công nhân không thể lưu thông. Đồng thời, do mưa lớn liên tục trong khi công nhân không vào được mỏ, dẫn đến toàn bộ hầm lò khu mỏ Núi Kẽm bị ngập nước nghiêm trọng.
 
Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu chính thức tạm thời dừng hoạt động.
Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu chính thức tạm thời dừng hoạt động.
 
Công ty này còn cho biết, nhiều ngày qua, công ty đã huy động lực lượng, phương tiện khắc phục tình trạng sạt lở, nhưng vẫn không thể thông tuyến. Trước tình trạng này, để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân và tài sản của nhà máy, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu buộc phải tạm thời ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất để khắc phục sự cố.
 
Tương tự, Công ty TNHH vàng Phước Sơn ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam cũng tạm thời ngừng hoạt động, toàn bộ công nhân được thông báo nghỉ việc từ lúc 22 giờ đêm hôm qua 26/11. Nguyên nhân, do một số nhân viên nhà bếp chặn đường đi ra vào thôn 4 của xã Phước Đức, nơi có nhà máy chế biến vàng và khu vực mỏ vàng Phước Sơn.
 
Tuy nhiên, theo thông tin có được trong thời gian vừa qua, việc kinh doanh, sản xuất của 2 công ty trên gặp nhiều khó khăn về tài chính.
 
Được biết, hơn 950 cán bộ, công nhân người Việt Nam và nước ngoài của Công ty TNHH vàng Phước Sơn tạm thời nghỉ việc được hưởng lương tối thiểu theo qui định 1.650.000 đồng/tháng cho đến khi tình trạng được giải quyết.
 
Tương tự, hơn 700 cán bộ, công nhân người Việt Nam và nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu cũng nhận được thông báo nghỉ việc tạm thời và hưởng mức lương tối thiểu 1.650.000 đồng/tháng cho đến khi được thông báo làm việc trở lại.
 
Chiều ngày 27/11, trao đổi với Báo Đất Việt, lãnh đạo các Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Công thương Quảng Nam cho biết, đến chiều nay vẫn không nhận được thông báo tạm ngừng hoạt động của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH vàng Phước Sơn. 
 
Theo nguồn tin riêng, thông báo trên của công ty được gửi cho Cục Thuế tỉnh Quảng Nam và chính quyền địa phương. 
 
"Dọa" đóng cửa nếu tăng thuế
 
Trước đó, đầu tháng 8/2013 lãnh đạo hai công ty đã "dọa" đóng cửa ngừng khai thác nếu thuế suất tài nguyên của Việt Nam tăng từ 15% lên 25% vào đầu năm 2014.
 
Theo ông Lê Minh Kha, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (PSGC và BMGMC), nếu mức thuế suất này được áp dụng thì thuế suất tài nguyên được áp dụng tại Việt Nam được cho là cao nhất, cao gấp 5 lần so với mức trung bình trong khu vực, 5 lần so với Indonesia, 3 lần so với Lào, 15 lần so với Đông Malaysia.
 
Đứng trước sự việc hai công ty khai thác vàng lớn nhất Việt Nam lên tiếng về mức thuế suất của Bộ Tài chính, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) cho rằng: Việc doanh nghiệp "kêu" có thể là do doanh nghiệp cứ kêu lên như vậy để hòng có lợi. Tức là khi đó họ thấy ảnh hưởng tới túi tiền, lợi nhuận không được cao như kỳ vọng nên doanh nghiệp cứ kêu lên như thế thôi. Thậm chí họ còn dọa nhà nước.
 
Ông Tú cho biết thêm: "Thông thường các doanh nghiệp vẫn thường phải bỏ ra những khoản chi phí bôi trơn nên đôi khi có những phản ứng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được".
 
 
Theo Hồng Sơn
Đất Việt
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *