Chứng Khoán 13/07/2014 17:12

Biển Đông "lặng sóng", VN-Index sẽ vượt mốc 600 trong năm 2014

FICA - Khi “biến cố Biển Đông” có giải pháp cụ thể hoặc ít nhất không phát sinh tranh chấp mới, dự báo thị trường sẽ vượt qua mức 600 điểm trong 6 tháng cuối năm.

Tại báo cáo vĩ mô và thị trường 6 tháng/2014, Chứng khoán BIDV (BSC) vẫn duy trì nhận định “Từ Quý III, thị trường chứng khoán (TTCK) đi ngang và tăng trở lại nếu các yếu tố hỗ trợ xuất hiện mạnh mẽ. Diễn biến thị trường nửa sau năm 2014 sẽ phụ thuộc vào chuyển biến thực sự của kinh tế vĩ mô và kỳ vọng của NĐT Nước ngoài.” 

Theo BSC, sự kiện giàn khoan HD981 đã có ảnh hưởng giảm dần với tâm lý nhà đầu tư nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro lớn cho nền kinh tế và thị trường.

Theo kế hoạch phía Trung Quốc dự kiến rút giàn khoan về trong tháng 8 nhưng lo ngại chưa lắng dịu khi tiếp tục có va chạm tại vùng xung đột và việc Trung Quốc chuẩn bị thêm 4 giàn khoan mới. Chưa có giải pháp đột phá được đưa ra và đây là yếu tố tiềm ẩn khi xung đột leo thang và các biện pháp trả đũa được sử dụng. Nền kinh tế và thị trường chứng khoán do vậy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi căng thẳng gia tăng.

Trong khi đó, còn một rủi ro khác là dòng bị phân tán bởi vốn hoạt động IPO và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Chỉ trong riêng tháng 7 các đợt IPO của Vinatex, Vocarimex đã hút khoảng 2.000 tỷ đồng.

Dự kiến sẽ còn nhiều tập đoàn lớn sẽ được IPO trong thời gian tới như VietnamAirlines, Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam... sẽ được cổ phần trong 6 tháng cuối năm. Các đợt IPO sẽ ảnh hưởng phần nào đến dòng tiền lưu thông và dòng tiền tiềm năng cho thị trường. 

Mặt khác, SCIC dự kiến sẽ thoái vốn 376 doanh nghiệp (trong đó có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đang niêm yết trên các sở như BVH, FPT, BMP, PPC, …) trong năm 2014 và 2015, sẽ tăng cung đáng kể trên thị trường. Yếu tố pha loãng này rất đáng quan tâm, đặc biệt trong chu kỳ ngắn hạn hoặc khi các yếu tố hỗ trợ thị trường không đạt được như kỳ vọng.

Mặc dù vậy, nhóm phân tích vẫn cho rằng,  khi “biến cố Biển Đông” có giải pháp cụ thể hoặc ít nhất không phát sinh tranh chấp mới, dự báo thị trường sẽ vượt qua mức 600 điểm trong 6 tháng cuối năm. 

Nhận định này căn cứ trên đánh giá về 2 yếu tố rủi ro và cơ hội sẽ tác động lớn nhất, đó là thách thức lớn nhất của TTCK Việt Nam cũng như của nền kinh tế trong năm 2014 là ảnh hưởng của sự kiện Biển Đông. Nền kinh tế Việt Nam mang tính phục thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Khi quan hệ thương mại giữa 2 nước suy giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán.

Mặt khác, kinh tế vĩ mô trong nước đang đi đúng hướng và tích cực hơn so với thời điểm đầu năm. Các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây đều có nhận định khá tích cực về kinh tế Việt Nam. Những thông tin hỗ trợ như mở room cho NĐT nước ngoài, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do vẫn được kỳ vọng. Kinh tế vĩ mô tốt là nền tảng cho thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm.

Báo cáo của BSC cho rằng, sau giai đoạn vận động tích cực đón đầu kết quả kinh doanh quý II vào đầu tháng 7, dòng tiền sẽ có xu hướng thận trọng và thị trường sẽ đi xác lập mặt bằng tích lũy trong khoảng giá từ 560 - 600 điểm đến giữa tháng 8 do “Biến cố Biển Đông”. Xu hướng thị trường sẽ rõ rệt hơn từ quý III đến hết năm cùng với sự cải thiện kinh tế vĩ mô và KQKD quý III của các doanh nghiệp. 

Trong quý III/2014, BSC khuyến nghị, hoạt động mua bán ngắn hạn của nhà đầu tư nên tập trung vào đầu tháng 7, sau đó cơ cấu dần danh mục trong nửa sau tháng 7 và đầu tháng 8. Nhà đầu tư có thể tiếp tục tăng quy mô trở lại vào cuối quý III đón đầu chu kỳ đầu tư cuối năm.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *