Chứng Khoán 13/07/2014 09:31

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Thị trường đã có tuần điều chỉnh với những diễn biến khó lường trong phiên, vì vậy, thật dễ hiểu khi trong tuần qua, công ty chứng khoán đoán giỏi nhất cũng chỉ trúng có 2 phiên.

Nhờ dòng vốn nội được duy trì ổn định, thị trường đã có trọn một tuần tăng điểm với thanh khoản khá tốt. Điều này dường như khiến nhà đầu tư hưng phấn hơn khi bước vào phiên giao dịchđâu tuần mới 7/7. Chỉ số VN-Index nhanh chóng chiếm giữ mốc 590 điểm, thậm chí có lúc đã tăng chạm 594 điểm với sự dẫn dắt của các mã lớn, mà điển hình là VIC với thông tin chi cả nghìn tỷ đồng trả cổ tức. Nhưng cũng có thời điểm VN-Index đã rung lắc mạnh và điều chỉnh về sát mốc tham chiếu, còn HNX-Index quay đầu giao dịch trong sắc đỏ bởi áp lực bán chốt lời. Tuy nhiên, vì sự tích cực của dòng tiền vẫn được duy trì nên cả 2 chỉ số nhanh chóng lấy lại được điểm số đã mất.

Trong phiên chiều, thị trường vẫn duy trì được đà tăng khá tốt trong nửa đầu phiên, VN-Index lại áp sát mốc 595 điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là trung tâm thu hút dòng tiền. Nhưng dấu hiệu thoát hàng trong nửa cuối phiên khiến VN-Index giảm trở lại mức 590 điểm, trong khi HNX-Index đóng cửa trong sắc đỏ vì thiếu lực đỡ. Tuy nhiên, thanh khoản theo đó cũng gia tăng, đạt gần 2.800 tỷ đồng.

Về phía các Dự, kết quả của phiên đầu tuần 7/7 dường như dự báo đây sẽ là tuần “vã mồ hôi hột” đối với các Dự, bởi trước mắt vẫn còn 4 phiên giao dịch đầy những bất ngờ đang chờ. Phiên này cũng là phiên thứ 2 liên tục hai chỉ số đóng cửa trong tình trạng trái chiều. Vì vậy, càng có lý do để những FPTS, BVSC, VCSC, MBS, BSC, KIS, IVS, VDSC, MBKE, SHS, SSI chỉ đưa ra nhận định chung và đa phần đánh giá thị trường tuần này sẽ điều chỉnh.

Ngay với MSBS cũng “né” đưa ra một con số cụ thể cho dù nhận định VN-Index sẽ tăng điểm trong phiên đầu tuần.

Sang phiên 8/7, VN-Index mở cửa trong sắc xanh, giao dịch ở mức trung bình. Sau đó, áp lực bán được gia tăng khiến sắc đỏ chiếm ưu thế. Mặc dù VIC vẫn giữ phong độ, cộng thêm sắc xanh của MSN nhưng cũng không thể đỡ giá cho các bluechip khác giảm điểm, khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều. Chỉ số này tiếp tục rung lắc, trước khi chính thức lao đầu giảm điểm với việc kiểm nghiệm bất thành ngưỡng 590 điểm khi lực bán được gia tăng trong nửa cuối phiên giao dịch sáng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên sàn HNX. Giao dịch không có gì đột biến, dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức thấp và lực chốt lời tiếp tục được duy trì khiến hầu hết các cổ phiếu lớn giảm điểm, chỉ số HNX-Index giao dịch trong sắc đỏ đến hết phiên sáng.

Trong phiên chiều, áp lực bán đã được giảm đáng kể. Nhiều mã trên sàn lấy lại được sắc xanh, giúp các chỉ số dần hồi phục. Tuy nhiên, VN-Index vẫn chỉ lình xình trên tham chiếu mà không bứt hắn lên được bởi sức ì của các mã lớn. Một lần nữa, chỉ số test lại ngưỡng 590 điểm, nhưng không như phiên sáng, lần test này đã thành công, giúp VN-Index có được sắc xanh nhạt khi kết phiên. Trong khi, HNX-Index có được đà tăng mạnh hơn do ít chịu ảnh hưởng của các mã vốn hóa lớn.

Mặc dù cả 2 chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh, nhưng đà tăng đã có dấu hiệu suy yếu về cuối phiên, đồng thời thanh khoản cũng giảm sút khá mạnh cho thấy thị trường vẫn chưa thể bứt phá vì thiếu động lực, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn còn hiện hữu.

Về phần các Dự, diễn biến của thị trường phiên này đã khá trùng khớp với nhận định của MBS, VCSC và BVSC. Mặc dù cả 3 Dự này đều không đưa ra dự đoán cụ thể về các chỉ số, nhưng với nhận định khá sát về diễn biến giao dịch của phiên cũng đã đủ để các Dự này ghi điểm.

VCSC đánh giá: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch ngày 8/7 với vùng hỗ trợ gần nhất là mức 585 của chỉ số VN-Index và 78.0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, chúng tôi cho rằng chỉ số HNX-Index có thể lấy lại nhịp tăng điểm sau hai phiên điều chỉnh vừa qua. Hệ thống các chỉ báo xung lượng chưa xuất hiện các tín hiệu đảo chiều giảm giá cho nên thị trường chỉ xuất hiện áp lực chốt lời và không có hiện tượng bán tháo trong thời điểm này”.

Ở phía ngược lại, MSBS và IVS đã cùng bị mất điểm khi cho rằng chỉ số VN-Index sẽ quay đầu giảm điểm trong phiên này. “Có thể thị trường phiên ngày 8/7 sẽ chính thức chấm dứt chuỗi tăng giá liên tiếp của VN-Index nhưng nó chưa chấm dứt được quá trình tăng giá của thị trường”, IVS đánh giá.

Trong khi các Dự khác như FPTS, MBKE, VDSC, BSC, KIS, SHS, SSI chỉ đưa ra những ý kiến trung lập về thị trường như “xác suất tăng điểm vẫn là khá lớn”, hay “khả năng vẫn tăng trong thời gian tới”…

Đến phiên giao dịch 9/7, tâm lý thận trọng tiếp tục được duy trì, VN-Index giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu trong thời gian đầu của buổi sáng. Sau đó, dòng tiền được bơm vào nhóm cổ phiếu đầu cơ thị giá nhỏ như TNT, VNH, VST, PTL, DRH… giúp các mã này tăng trần. Hiệu ứng từ các mã đầu cơ đã lan tỏa ra nhiều mã cổ phiếu khác, kéo VN-Index tiến thẳng đến mốc 595 điểm. Nhưng rõ ràng động lực như vậy là chưa đủ để “leo” đến ngưỡng kháng cự rất mạnh này, nên VN-Index cũng nhanh chóng điều chỉnh trở lại và khép phiên sáng trong sắc xanh nhạt. Trong buổi giao dịch chiều, diễn biến thị trường không có gì đột biến khi mà dòng tiền vẫn tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ, còn các mã lớn vẫn trong thế phân hóa mạnh và ít ảnh hưởng đến chỉ số. VN-Index đóng cửa với phiên tăng điểm thực chất hiếm hoi khi nhờ phần lớn các mã trên sàn tăng điểm, mà không “trông cậy” vào lực đỡ từ các mã lớn như VIC, GAS hay VNM…

Tương tự, chỉ số HNX-Index trong phiên này cũng không nhận được sự ủng hộ từ các mã lớn khi đa phần đều giảm điểm hoặc đứng tham chiếu, cộng với hoạt động giao dịch không mạnh nên điểm số trên sàn này cứ theo chiều hướng “giảm dần đều” và đóng cửa trong sắc đỏ. Hai sàn kết thúc trái chiều, nhưng nhờ dòng tiền đầu cơ được duy trì nên thanh khoản đã cải thiện so với phiên trước.

Về phía các Dự, đúng như dự kiến khi các Dự lại gặp khó khi thị trường đã có thêm một phiên đóng cửa trái chiều. Trong bối cảnh hiện tại, không nhiều Dự đánh giá cao việc thị trường tăng điểm mà đa phần cho rằng đang trong tình trạng điều chỉnh tích lũy. Vì thế không lạ khi số lượng các Dự trung lập đã đông vui trở lại với những “gương mặt thân quen” như FPTS, KIS, SHS, MBS, BVSC, MBKE, VDSC, BSC, SSI.

Việc VN-Index chỉ tăng điểm vào những phút cuối phiên đã “cứu” MSBS và VCSC khi cả 2 Dự này đều đánh giá chỉ số này tăng điểm. “Với diễn biến tích cực trong cuối phiên 8/7, chúng tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 9/7. Xác suất thị trường tiếp tục xu hướng tăng điểm trong thời gian tới là khá cao, chỉ số VN-Index có thể chạm tới mốc 600 điểm”, MSBS đánh giá.

Trong khi IVS lại chịu "thiệt thòi" khi nhận định “Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ chịu áp lực trong một vài phiên tới và tiếp tục điều chỉnh giảm nhưng không quá lớn. Những cổ phiếu đã tăng giá sẽ chững lại, trong khi một số cổ phiếu khác hoàn thành quá trình này có thể tăng giá trở lại”.

Tới phiên 10/7, sự suy yếu của dòng tiền khiến thị trường điều chỉnh ngay từ những phút đầu giao dịch. Trong khi bên bán tỏ ra sốt ruột đẩy mạnh xả hàng thì bên mua lại tỏ ra quá dè dặt. Việc cung cầu không gặp nhau khiến thanh khoản thị trường mở mức thấp. Phần lớn các mã trên sàn giao dịch trong sắc đỏ. Trong số đó bao gồm hầu hết các cổ phiếu lớn nên VN-Index nhanh chóng rời bỏ mốc 590 điểm. Cuối phiên sáng, thêm một đợt xả được ồ ạt tung vào khiến các cổ phiếu lũ lượt giảm mạnh, VN-Index đã có lúc rơi sát mốc 585 điểm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với HNX-Index khiến chỉ số này cũng chìm trong sắc đỏ.

Trong buổi giao dịch chiều, mặc dù thị trường không có thông tin hỗ trợ cũng không nhận thêm thông tin xấu, nhưng lệnh bán vẫn không ngừng gia tăng khiến các chỉ số giảm sâu hơn, VN-Index có lúc mất hơn 10 điểm xuống sát ngưỡng 580 điểm. Tuy nhiên, nhờ cầu bắt đáy mạnh mẽ được tung ra đúng lúc, giúp các chỉ số Index thu hẹp đà giảm, đồng thời giúp thanh khoản thị trường tăng vọt, đặc biệt là trên HNX khi đạt gần 1.072 tỷ đồng. Góp phần vào thanh khoản đột biến trên sàn HNX chính là giao dịch thỏa thuận của hơn 36,3 triệu cổ phiếu SHB trị giá 335,78 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn phiên này đạt trên 3.200 tỷ đồng.

Về phần các Dự, việc thị trường giảm điểm trên diện rộng nằm ngoài mọi dự báo của các Dự. Cũng như từ đầu tuần, nhiều Dự cho rằng phiên giao dịch này nhiều khả năng sẽ vẫn là diễn biến điều chỉnh chỉnh tích lũy. Vì vậy, chỉ có 3 Dự là MSBS, VCSC, KIS dự đoán trật ở phiên này là “hơi ít”.

“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể tiếp tục rung lắc mạnh trong đầu phiên giao dịch ngày 10/7 và lực bán có dấu hiệu suy yếu dần với vùng hỗ trợ gần nhất là mức 585 của chỉ số VN-Index và 77.5 của chỉ số HNX-Index”, VCSC nhận định.

Tương tự, KIS đánh giá: “Nếu không có yếu tố mới xuất hiện, chúng tôi cho rằng, thị trường chưa thể sớm bứt phá trong ngắn hạn. Trong khi đó, rủi ro thị trường điều chỉnh mạnh sẽ khó xảy ra trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trở nên ổn định hơn”.

Trong khi đó, những BVSC, FPTS, VDSC, IVS, MBS, SSI, SHS, BSC, MBKE đã được an toàn khi mà trung thành với những nhận định kiểu “vô thưởng vô phạt”.

Sau phiên xả hàng mạnh trước đó, nhà đầu tư bước vào phiêngiao dịch cuối tuần 11/7 trong tâm thế hết sức thận trọng. Giao dịch trên thị trường giảm hẳn nên sắc đỏ chiếm thế chủ đạo. Các chỉ số lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản ở mức thấp. Đầu phiên, VNM là trụ đỡ chính của VN-Index với mức tăng nhẹ. Nhưng dần về cuối phiên, cùng với áp lực cung lớn của thị trường, VNM cũng bị kéo về giá tham chiếu khiến thị trường giảm sâu thêm, trước khi bật nhẹ trở lại khi rơi xuống sát ngưỡng hỗ trợ 580 điểm. Dù không còn mạnh như phiên trước, nhưng lực mua vẫn duy trì khá tốt trong buổi giao dịch sáng 11/7. Tuy nhiên, áp lực bán quá lớn khiến sắc đỏ vẫn bao trùm bảng điện tử và 2 sàn tiếp tục giảm điểm.

Bước vào buổi giao dịch chiều, lực cung giá thấp được tiết giảm đáng kể giúp thị trường dần hồi phục. Tưởng chừng VN-Index sẽ hồi nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng do sức ì lớn của các mã trụ cột công thêm lực cầu yếu, nên VN-Index lại quay đầu giảm điểm trong những phút cuối phiên.

Đối với HNX, sàn này gần như giao dịch với sắc đỏ trong cả phiên, nhưng cuối cùng lại đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng chỉ là 0,01 điểm nhờ sự phục hồi đúng lúc của các mã có tính dẫn dắt như SHS, SHB, SCR, PVX …. Hoạt động giao dịch chậm khiến thanh khoản trên HNX giảm mạnh, kèm với đó là sự phân hóa cũng khá rõ ràng. Giao dịch đáng chú ý trên sàn này là giao dịch thỏa thuận 14,7 triệu cổ phiếu NVB trị giá 102,9 tỷ đồng, đóng cửa mã này tăng 500 đồng lên 6.900 đồng/CP. Phiên cuối tuần khép lại trong tình trạng thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên hôm qua, chỉ đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

Về phần các Dự, số đông gồm FPTS, BVSC, MBKE, KIS, VCSC, SHS, SSI, VDSC, BSC vẫn tiếp tục chọn phương án nhận định trung lập cho phiên cuối tuần này. Các Dự đều cho rằng dù thị trường có 2 phiên liên tục điều chỉnh giảm nhưng tâm lý chung vẫn còn khá tích cực và xu hướng tăng của thị trường vẫn được đảm bảo.

Trong khi đó, IVS đã có nhận định chuẩn xác về phiên giao dich này, sau 2 phiên bị trật trước đó. “Một nhịp giảm mạnh như vậy dù sao cũng có tác động nhất định và có thể áp lực bán sẽ còn tiếp diễn trong phiên ngày 11/7. Chúng tôi cho rằng,  chính sự hồi phục trở lại cuối phiên sẽ khiến cả bên mua và bên bán trong phần đầu của phiên 11/7 đều thận trọng. Thị trường sẽ sôi động hơn khi bên bán sẽ chủ động tạo một áp lực lên thị trường sau đó. Có thể áp lực bán sẽ khiến chỉ số VN-Index tụt xuống mốc hỗ trợ 580 điểm nhờ lực cầu giá thấp. Chúng tôi cho rằng chỉ số sẽ không sụt giảm quá sâu và thanh khoản cũng sẽ giảm sút mạnh so với phiên 10/7. Trong phiên này áp lực lớn nhất chính là cổ phiếu đầu cơ, còn nhóm bluechips sẽ giao dịch ít hơn. Thị trường có thể sẽ tiếp tục một phiên giảm nữa nhưng ngưỡng 580 điểm sẽ là chốt chặn khá vững cho thị trường”.

Ngoài ra, MBS cũng đưa ra nhận định về một phiên giảm tiếp theo của thị trường, nhưng nhận định này lại không hoàn toàn đúng. “Chúng tôi cho rằng không như 2 đợt điều chỉnh nhỏ vào đầu và giữa tháng 6, thị trường đang ở vùng điểm khá cao với mức tăng 16-17% so với đầu năm. Do vậy, 2 chỉ số có khả năng điều chỉnh sâu hơn, đi kèm với đó là phân hóa thị trường khi kết quả kinh doanh quý II sắp được công bố”.

Ngược lại, chỉ MSBS là Dự duy nhất bị trật ở phiên này khi cho rằng VN-Index sẽ tăng điểm. “Với diễn biến cuối phiên 10/7,  chúng tôi nghiêng về khả năng phiên giao dịch ngày 11/7 sẽ là một phiên tăng điểm của thị trường. Thị trường giảm sâu nhưng thanh khoản tăng cao cho thấy dòng tiền đầu tư tiếp tục quay trở lại và phần nào thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào xu hướng tăng của thị trường”.

Tổng kết tuần giao dịch 7/7 đến 11/7, với 2 phiên điều chỉnh khá mạnh cuối tuần thì những nỗ lực gia tăng cách biệt về mặt điểm số của HOSE và HNX đã không thành công. Nhưng nhìn chung, thanh khoản vẫn là điểm cộng khi vẫn được duy trì ở mức chấp nhận được với sự ổn định của dòng vốn đầu cơ. Tổng cộng, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, HOSE mất 6,58 điểm (-1,12%) xuống còn 582,77 điểm; còn HNX giảm 0,82 điểm (-1,03%) xuống mức 78,62 điểm.

Đối với các Dự, ở vị trí dự báo trúng nhiều nhất cũng chỉ đạt 2 phiên, nhưng có tới 3 Dự làm được điều này là MSBS, VCSC và MBS. Ngoài ra, có cùng 1 phiên trúng còn có IVS và BVSC.

Ở chiều ngược lại, Dự bị trật nhiều nhất cũng là MSBS với 3 phiên 8/7, 10/7 và 11/7. Bị trật ít hơn với 2 phiên ngày 8/7/ và 9/7 là IVS. Còn lại, KIS và VSCS cùng dự báo trật 1 phiên.

Với chức danh “còi vàng”, FPTS đã quay trở lại tranh đấu với VDSC, MBKE, SHS, BSC và SSI khi cùng có cả 5 phiên nhận định trung lập. Đứng ngay sau với 4 phiên trung lập có BVSC và KIS.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/7/7

HOSE(+1,34/0,23%/ 590,69)

HNX(-0,52/0,65%/ 78,92)

MSBS

FPTS, BVSC, VCSC, MBS, BSC, KIS, IVS, VDSC, MBKE, SHS, SSI

T3/8/7

HOSE(+0,78 /0,13%/591,47)

HNX(+0,44/0,55%/79,36)

MBS, BVSC, VCSC

FPTS, MBKE, VDSC, BSC, KIS, SHS, SSI

MSBS, IVS

T4/9/7

HOSE(+0,13/0,02%/ 591,60)

HNX(-0,22/0,27%/ 79,14)

MSBS, VCSC

FPTS, KIS, SHS, MBS, BVSC, MBKE, VDSC, BSC, SSI

IVS

T5/10/7

HOSE(-6,72/1,14%/584,88)

HNX(-0,53/0,67%/78,61)

BVSC, FPTS, VDSC, IVS, MBS, SSI, SHS, BSC, MBKE

MSBS, VCSC, KIS

T6/20/6

HOSE(-2,11/0,36%/582,77)

HNX(+0,01/0,01%/78,62)

IVS, MBS

FPTS, BVSC, MBKE, KIS, VCSC, SHS, SSI, VDSC, BSC

MSBS

 
Theo N.Tùng
ĐTCK
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *