Tiền và Hàng 27/03/2018 16:37

Các nước châu Phi đã cấm khai thác gỗ

Kenya đã ngừng khai thác gỗ tại tất cả các khu rừng trong ba tháng tới vì mực nước ở các con sông lớn tiếp tục giảm ở mức báo động. Nhiều nước châu Phi đã ban hành chính sách cấm xuất khẩu gỗ để bảo vệ rừng hoặc tăng cường ngành sản xuất gỗ nội địa.

Hiện nay nguồn cung gỗ nguyên liệu, bao gồm: gỗ tròn, đẽo vuông thô và xẻ từ Châu Phi đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.

Gỗ nguyên liệu từ Châu Phi bắt đầu được nhập vào Việt Nam từ khoảng 2004-2005, chủ yếu được đưa vào các làng nghề gỗ truyền thống sử dụng để làm đồ gỗ nội thất, làm khung ngoại, làm cột đình, chùa (đặc biệt là gỗ Lim), và các công trình xây dựng. Một số ít trong nhập khẩu được sử dụng chế biến sản phẩm xuất khẩu.

chau phi cam khai thac go 1
 

Nhưng phải đến những năm 2009 – 2010 thì gỗ Châu Phí mới bắt đầu được nhập nhiều và tăng nhanh những năm gần đây. Thông tin từ một số doanh nghiệp và các hộ chế biến gỗ tại làng nghề cho thấy khoảng 50% lượng gỗ Châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam được sử dụng cho các công trình xây dựng; 50% còn lại được sử dụng làm đồ gỗ.

Năm 2017 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,3 triệu m3 gỗ quy tròn từ Châu Phi, chiếm 24,5% trong tổng lượng gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam trong năm này.

Lượng nhập năm 2017 tăng hơn 400.000m3 so với lượng nhập từ Châu lục này năm 2016, tương đương với 43,2% về tăng trưởng.

Lượng gỗ nhập khẩu từ Châu Phi vào Việt Nam 2016-2017 (Nguồn: Phân tích của VIFORES, FPA BD, HAWA và FOREST TRENDS từ số liệu Hải quan Việt Nam)

Hiện đang có khoảng 20 quốc gia từ Châu Phi cung gỗ cho Việt Nam, trong đó 5-6 quốc gia có nguồn cung lớn, với lượng cung trên 10.000 m3/ năm. Tuy nhiên, ở một số quốc gia hiện đang ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ.

Cụ thể, như rừng của Gabon hoàn toàn thuộc sở hữu của Nhà nước, và khoảng một nửa số rừng của quốc gia này được phân bổ cho sản xuất.

chau phi cam khai thac go 2
 

Trước khi có lệnh cấm xuất khẩu gỗ, Gabon là nhà cung cấp gỗ chính của Châu Phi cho Trung Quốc. Nhưng từ khi quốc gia này quyết định cấm xuất khẩu gỗ tròn nhằm thúc đẩy chế biến trong nước, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu sang Châu Á.

Hay như Mozambique, nước này là một trong các quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất của Châu Phi cùng với Zambia. Khoảng 50% diện tích đất của nước này là rừng. Quốc gia này hiện không còn rừng nguyên sinh.

chau phi cam khai thac go 5
 

Việc khai thác gỗ bất hợp pháp diễn ra phổ biến ở nước này. Năm 2013, ước tính gần 1/2 lượng gỗ xuất khẩu của quốc gia này sang Trung Quốc là bất hợp pháp.

Giá gỗ từ Châu Phi nhập khẩu về Việt Nam khác nhau, phụ thuộc vào chất lượng của gỗ và quốc gia nơi gỗ được khai thác. Tại Việt Nam, gỗ nhập khẩu từ Châu Phi được coi là có chất lượng thấp hơn nhiều so với gỗ nhập khẩu từ các nước như Lào, Campuchia do vậy giá bán thấp hơn.

chau phi cam khai thac go 6
 

Thông tin từ 1 doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu gỗ Châu Phi cho thấy giá tại Việt Nam của các loài gỗ Châu Phi vào tháng 2 năm 2018 dao động từ 10 – 50 triệu đồng/m3. Loại gỗ có giá trị nhất là gỗ Cẩm có giá khoảng 35 – 50 triệu đồng/m3. Các loại gỗ phổ biến như Gụ, Hương chỉ dao động từ 10 – 20 triệu đồng/m3.

Tên gỗ nhập khẩu từ Châu Phi đang bị gọi sai

Một số loài gỗ nhập khẩu từ Châu Phi có vân, thớ gỗ, hoặc màu tương đối giống với một số loài gỗ của Việt Nam được đặt theo tên các loài gỗ của Việt Nam..

Tuy nhiên, các loài gỗ từ Châu Phi có thể khác so với các loài gỗ của Việt Nam và việc sử dụng tên của các loài gỗ Việt Nam cho các loài mới nhập khẩu từ nguồn này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về tên loài. Điều này có thể gây ra khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu.

Trong tờ khai hải quan nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp sử dụng cả tên Việt Nam và tên khoa học cho các loài gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên có tình trạng phổ biến là 1 loài gỗ được mô tả bởi nhiều tên khoa học khác nhau.

chau phi cam khai thac go 3
 

Ví dụ, trong tờ khai hải quan, gỗ nhập khẩu tên tiếng Việt được khai là ‘gỗ cẩm’, trong khi tên khoa học trong tờ khai này thì lại được mô tả bằng 11 tên khác nhau). Tương tự như vậy, ‘gỗ hương’ được sử dụng bởi 15 tên khoa học khác nhau; ‘gỗ lim’ thì có tới 14 tên khoa học.

Điều này ảnh hưởng tới không chỉ việc quản lý, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng. Bởi quyết định mua hàng của người tiêu dùng cũng phụ thuộc khá nhiều vào loại gỗ chứ không chỉ kiểu dáng, hình thức.

Thế Hưng

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *