Góc nhìn 26/10/2018 12:42

Bỏ giấy phép “con” lại lòi giấy phép “cháu”

Cuộc chiến cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Nhưng đáng nói, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều bộ ngành vẫn quá chậm trễ trong việc quan trọng này.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Kinh nghiệm trong 17-18 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, tôi thấy rằng, việc cắt giảm các giấy phép kinh doanh thường rất khó, rất lâu, và cần quyết tâm chính trị rất cao. Trong khi đó, việc đặt ra các giấy phép kinh doanh, các quy định xin cho có một thời gian lại rất dễ dàng. 

Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ đầu những năm 2000 đã miệt mài đề xuất, thảo luận mấy năm trời mới bỏ được mấy trăm giấy phép con, nhưng sau đó lại dễ dàng phát sinh thêm hàng trăm loại giấy phép, quy định xin – cho khác, thậm chí núp dưới những cái tên khác như thông báo, quy hoạch, xác nhận…

Chính vì vậy, những thành quả của cải cách lại nhanh chóng bị xoá bỏ bởi quy trình ban hành văn bản chưa phù hợp. Công tác xây dựng pháp luật thời gian tới vì thế cần phải thay đổi nhiều, cần có cơ chế giám sát, gác cổng cho quá trình ban hành văn bản mới, đặc biệt liên quan đến điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.

Đối với lĩnh vực giấy phép kinh doanh, như hiện nay thì các đơn vị có thẩm quyền cấp phép lại chịu trách nhiệm trong đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản, và chủ trì cả quá trình ban hành. Nghị định là của Chính phủ, nhưng dấu ấn của từng Bộ, thậm chí từng Cục rất rõ nét. 

Từ kinh nghiệm của VCCI trong nhiều chương trình cải cách giấy phép kinh doanh, những đơn vị đang có thẩm quyền cấp phép thường không muốn và rất hay trì hoãn trong việc đưa ra phương án cắt giảm, thay đổi hình thức quản lý. 

Đặc biệt là những thay đổi căn bản, thay đổi hẳn cách thức quản lý. Vì đơn giản là, họ sẽ bị mất quyền. Chính vì vậy, nếu không thay đổi quy trình xây dựng văn bản hiện nay thì quá trình cải cách, cắt giảm của Chính phủ có thể sẽ không bền vững.

Cho nên ngay cả trong từng Bộ, theo chúng tôi, nếu đổi đơn vị chủ trì soạn thảo, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ từ cục, vụ chuyên môn sang đơn vị tương đối độc lập như Vụ Pháp chế, Viện của Bộ thì khả năng sẽ có chuyển đổi lớn, có thể sẽ vượt qua được các níu kéo lợi ích cục bộ. Tất nhiên các đơn vị này có thể chưa am hiểu sâu về lĩnh vực như các cục, vụ chuyên môn nhưng họ hoàn toàn có thể tham vấn và huy động các chuyên gia bên ngoài.

Để hạn chế tình trạng cài cắm quyền hành, lợi ích cục bộ thì quá trình xây dựng chính sách, hay cải cách chính sách cần thay đổi. Cần sự độc lập, minh bạch và tham vấn rộng rãi trong quá trình này. 

Trong quá trình thảo luận về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh tại VCCI, chính các doanh nghiệp là người chỉ ra các điều kiện kinh doanh vô lý, phiền hà, không có nhiều ý nghĩa trong quản lý nhất. 

Tiếc là có nhiều cơ quan Bộ, ngành lại né tránh quá trình tham vấn doanh nghiệp khi cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Tôi cho rằng cơ quan xây dựng chính sách phải tách khỏi cơ quan cấp phép, cơ quan thực thi quyền quản lý và minh bạch hoá quá trình thảo luận chính sách chính là vũ khí quan trọng nhất để hạn chế tình trạng cài cắm chính sách.

 

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *