Thời sự 21/03/2014 14:42

Sửa Thông tư 02 làm tổn thương niềm tin thị trường với chính sách điều hành?

FICA - Báo cáo của chứng khoán Bảo Việt cho rằng, việc NHNN ban hành Thông tư 09 sửa đổi Thông tư 02 có tác dụng tích cực trong ngắn hạn với tới lợi nhuận các ngân hàng nhưng làm chậm lại quá trình tái cơ cấu toàn hệ thống, và có thể làm tổn thương niềm tin thị trường với chính sách điều hành.

Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 09 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 năm 2013. Theo đó, NHNN lùi thời hạn áp dụng phân loại tất cả các khoản dư nợ của một khách hàng vào nhóm có rủi ro cao nhất tới 1/1/2015; Cho phép các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tới ngày 1/4/2015; Buộc phải trích lập dự phòng rủi ro với trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Đánh giá tài sản đảm bảo theo giá trị thị trường...(Xem thêm tại đây)

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân được công bố hôm nay, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc ban hành Thông tư 09 tác động tích cực tới lợi nhuận trong ngắn hạn của các ngân hàng.

Lý do là, những quy định được điều chỉnh thời hạn hiệu lực là những quy định có tácđộng rất lớn, đối với ngân hàng và doanh nghiệp. Việc lùi thời hạn hiệu lực đối với những quy định này sẽ làm giảm và trì hoãn áp lực về nợ xấu đối với các ngân hàng, qua đó, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) có thêm thời gian để điều chỉnh hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của mình theo hướng áp dụng từng bước các quy định trong thông tư 02 trước đây, đồng thời tránh được cú sốc về nợ xấu tăng đột biến và lợi nhuận kế toán sụt giảm mạnh.

Trong năm 2013, để tránh sự thay đổi đột ngột về nợ xấu khi áp dụng thông tư 02, các ngân hàng đã tăng dần trích lập dự phòng, nâng dần tỷ lệ Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng/Tổng dư nợ để cải thiện nguồn tiền để đối phó và xử lý nợ xấu sau này.

Đồng thời, tích cực sử dụng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC. Tính đến cuối năm 2013, đã có 20 ngân hàng bán nợ cho VAMC, trong đó bao gồm Agribank, MBB, STB, SHB,.. với tổng giá trị nợ gốc là 38.900 tỷ đồng.

Trong báo cáo  mới đây, ANZ cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 02 có thể sẽ tạo ra "mặt nạ" cho mối đe dọa thật sự của các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, khi mà hệ thống ngân hàng có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng cũng sụt giảm nhiều trong quý 1/2013 (giảm 29% so với cùng kỳ), tuy nhiên khả quan hơn trong quý 2 và 3/2013 sau khi Thông tư 02 được lùi thời hạn áp dụng lần thứ 1 và tiếp tục giảm trong quý 4/2013 (-10% so với cùng kỳ 2012).

Tuy nhiên xét về dài hạn, BVSC đánh giá những điều chỉnh của Thông tư 09 có thể làm chậm tiến trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng.

Việc phục hồi sức khỏe của hệ thống ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và tính hiệu quả của việc tái cơ cấu toàn hệ thống nói chung, và cụ thể hơn là hai giải pháp chính: hoạt động của VAMC và việc thực thi thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Thông tư 02 đã được kỳ vọng rất lớn về việc xác định đúng và đủ nợ xấu, đưa ra một bức tranh chân thực về sức khỏe của từng ngân hàng nói riêng và toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung cũng như dần hướng tới việc tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro. Trên cơ sở đó, những bất cập trong hệ thống ngân hàng sẽ dần được cải tổ, giúp hệ thống ngân hàng có thể tăng trưởng an toàn và bền vững hơn.

Những điều chỉnh dự kiến của Thông tư 02 sẽ đẩy lùi tiến độ của quá trình tái cơ cấu các TCTD cũng như việc tiếp cận với những chuẩn mực của Basel II và Basel III mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi.

VAMC chỉ có tác dụng “trì hoãn” các khoản nợ xấu cho đến khi nền kinh tế “hồng hào” trở lại hơn là tác động thực sự đến thực trạng hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động của VAMC phụ thuộc rất lớn vào việc xác định được chính xác và đầy đủ con số nợ xấu, từ đó đưa ra kế hoạch và lộ trình mua lại các khoản nợ xấu từ TCTD và có phương án phát hành trái phiếu đặc biệt dựa trên việc phân bổ trái phiếu đó theo các thời điểm trong năm và theo các TCTD.

Khi các ngân hàng được trì hoãn việc cơ cấu nợ, giấu nợ xấu lâu hơn thì sức ép bán nợ cho VAMC cũng giảm. Do đó, VAMC sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào báo cáo từ Thanh tra ngân hàng nhà nước và các TCTD mới đưa ra được kế hoạch và phương án phát hành trái phiếu của mình. Do đó, trì hoãn những quy định quan trọng của Thông tư 02 cũng sẽ khiến cho tiến trình tái cơ cấu mất nhiều thời gian hơn để thực thi và đem lại hiệu quả.

Mặt khác, Thông tư 02 đã được trì hoãn 1 năm kể từ ngày 1/6/2013. BVSC nhận định việc tiếp tục đẩy lùi thời hạn hiệu lực đối với một số điểm trong thông tư này sang năm 2015 có thể gây tổn thương đến niềm tin thị trường đối với chính sách điều hành, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 02 đã mang đến hy vọng về một cuộc cải cách trong việc phân loại nợ, kiểm soát rủi ro, giải quyết nợ xấu cũng như tính minh bạch hơn về hoạt động của các ngân hàng.

Với những điều chỉnh dự kiến, trong năm 2014, BVSC cho rằng áp lực về dự phòng và nợ xấu của Thông tư 09 sẽ chủ yếu đến từ 3 quy định:

Sử dụng kết hợp phương pháp định tính và định lượng trong phân loại nợ và phân loại nợ vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn giữa phương pháp định tính và định lượng;

Mở rộng đối tượng phải trích lập dự phòng (trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán) tại các TCTD khác, các khoản trả thay theo cam

Trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC; Do đó, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn sẽ là những ngân hàng chưa áp dụng cả phương pháp định tính và định lượng trong phân loại nợ và có lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn.

Đối với các ngân hàng niêm yết, BVSC cho rằng nếu áp dụng chặt chẽ thông tư 02, rủi ro nợ xấu của Vietcombank, VietinBank,  BIDV, MB không lớn trong khi trích lập dự phòng rủi ro của ACB, Eximbank và Sacombank sẽ tăng khá nhiều.

Lam Thanh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *