Bắt bệnh "đặc khu kinh tế" của Việt Nam

FICA - Trừ một số ít trường hợp như Khu Chế xuất Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) hay Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP Bình Dương), nhìn chung đa số các đặc khu đều chưa thành công - theo nghĩa kỳ vọng vào việc tạo ra những “bàn đạp phát triển”, những “tọa độ đột phá” mạnh cho hướng phát triển này, thậm chí, có thể nói đến chữ “thất bại” trong nhiều trường hợp.

Góp tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển Đặc khu kinh tế - kinh nghiệm và cơ hội đang diễn ra tại Quảng Ninh (ngày 20-21/3/2014), PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra những góp ý thẳng thắn về việc thể nghiệm cách phát triển kiểu “đặc khu kinh tế” ở nước ta, với các dạng thức và cấp độ khác nhau, từ “Khu Công nghiệp”, “Khu Chế xuất”, “Kinh tế Cửa khẩu”, “Khu Kinh tế cửa khẩu” cho đến “Vùng Kinh tế trọng điểm”.

Theo ông, cho đến nay, trừ một số ít trường hợp như Khu Chế xuất Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) hay Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP Bình Dương), nhìn chung đều chưa đạt kết quả mong muốn. Hay có thể đánh giá “khắt khe” hơn, đa số là chưa thành công - theo nghĩa kỳ vọng vào việc tạo ra những “bàn đạp phát triển”, những “tọa độ đột phá” mạnh cho hướng phát triển này, thậm chí, có thể nói đến chữ “thất bại” trong nhiều trường hợp. 

 
Phần lớn các đặc khu kinh tế của Việt Nam không đáp ứng kỳ vọng (Ảnh: Quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh).

“Bắt bệnh” về những thất bại này, TS Thiên chỉ rõ, trước hết, vấn đề mấu chốt là việc xác lập một lập trường, quan điểm rõ ràng về giá trị đột phá phát triển của loại hình kinh tế này – phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại, là cách thức để tạo sức mạnh đột phá quốc gia và lan tỏa Vùng để đưa cả nền kinh tế tiến vượt lên trên cả trục công nghệ lẫn trục thể chế.

Chính sự không thống nhất tư duy phát triển (vẫn e dè, lo ngại tính cấp tiến, vượt trội thể chế, sợ “chệch hướng”, tính “kèn cựa” cục bộ địa phương, v.v.) đã cản trở ý tưởng mạnh bạo thử nghiệm.

Thứ hai, cách tiếp cận đổi mới chủ yếu “từ dưới lên” đã làm cho công cuộc đột phá bị cản trở nhiều bởi các quy trình phê duyệt, chấp thuận các đề xuất đổi mới do các cấp địa phương đề xuất, vốn là quy trình mang nặng tính bàn giấy, không gắn bó và cũng không phải chịu trách nhiệm lợi ích. Trong khi đó, các nhóm chuyên gia phê duyệt thì thường thiếu năng lực chuyên môn cần thiết cũng như thiếu tầm nhìn chiến lược, ông Thiên nhận xét.

Nguyên nhân thứ 3 của thất bại đó là phát triển đột phá nói chung, đột phá “vùng” nói riêng bị xem nhẹ. Do đó, không cho phép các địa phương mạnh dạn áp dụng hệ thống thể chế vượt trội để tạo đột phá – trong đó nhấn mạnh: hệ thống thể chế - chứ không phải từng thể chế, chính sách cụ thể, riêng biệt.

Vị chuyên gia đầu ngành đánh giá, cơ bản, hệ thống khuyến khích vĩ mô đối với các dạng loại “đặc khu kinh tế” chỉ dừng lại ở mức “ưu đãi” cao nhất của Việt Nam, tức là cao nhất của một hệ thống thể chế còn kém phát triển, chủ yếu là các ưu đãi kinh tế chứ không nhắm tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh hiện đại, là thứ mới đích thực là “tổ của những con chim phượng hoàng đến đẻ trứng”, có sức hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn.

Do đó, Việt Nam không có những tọa độ hấp dẫn được các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, không thu hút được đầu tư đẳng cấp thế giới.

Ông cũng chỉ ra rằng, Việt Nam không chú trọng tạo điều kiện bảo đảm dài hạn cho sự phát triển vượt trội của Đặc khu, trong đó, các nhóm điều kiện quan trọng nhất là hệ thống doanh nghiệp bản địa đối ứng, nguồn nhân lực chất lượng và hệ thống kết nối hạ tầng hiện đại.

Nguồn lực bị phân tán mà không tập trung phát triển hạ tầng cho các tọa độ trọng điểm, việc chậm trễ phát triển doanh nghiệp hiện đại, nguồn nhân lực định hướng lao động giản đơn và chậm phát triển tính chuyên nghiệp (do mô hình tăng trưởng – phát triển các ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp hay đi làm thuê nước ngoài). 

Như vậy, những bài học mà Việt Nam rút ra từ kinh nghiệm xây dựng các loại hình Đặc khu kinh tế cơ bản liên quan đến các vấn đề vĩ mô hơn là trở ngại và khó khan phát sinh ở cấp địa phương. Đây là một điểm rất then chốt nhưng thường bị bỏ “quên” trong các chương trình nghiên cứu Đặc khu.

Cũng theo cách tiếp cận đó, ông cho rằng, dễ thấy vấn đề phát triển đặc khu kinh tế của Việt Nam chủ yếu liên quan đến tầm nhìn, đến quan điểm phát triển quốc gia hơn là đến các chi tiết “thiết kế và thi công” các đặc khu kinh tế cụ thể.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *