Tiền và Hàng 22/12/2013 16:57

Xuất khẩu 2013: Vượt khủng hoảng đi lên

FICA - Xuất khẩu cả nước trong năm 2013 tăng mạnh bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới chưa phục hồi và sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị Tham tán thương mại chuyên đề về Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2020 mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 dự kiến đạt 133 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 132 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch tích cực: Nông thủy sản: giảm từ 20% (2011) xuống 15% (2013); Nhiên liệu, khoáng sản: từ 11,6% xuống 7,2%; Công nghiệp chế biến: tăng từ 61,2% lên 70,7%.

Bên cạnh đó, quy mô xuất khẩu cũng được mở rộng theo hướng 22 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (chiếm 85% tổng xuất khẩu); 13 nhóm hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD (thủy sản, cà phê, gạo, cao su, dầu thô, đồ gỗ, dệt may, xơ sợi dệt, giày dép, điện thoại, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, đồ điện tử, v.v...).

Về nhập khẩu, dự kiến đạt 131,3 tỷ USD (tăng 15,2%). Mức tăng bình quân 2011-2013 là 17% (cao hơn 6% so với mục tiêu của Đại hội Đảng XI). Đáng chú ý, nhập siêu giảm dần, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Cụ thể, năm 2011 nhập siêu 9,84 tỷ USD (10,2% kim ngạch xuất khẩu); 2012 xuất siêu 749 triệu USD. Dự báo năm 2013 sẽ đạt mức xuất siêu 862 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu 2013

Xuất khẩu vào châu Âu tăng 24,8% với kim ngạch đạt 27,3 tỷ USD

Châu Mỹ tăng 21,9% với kim ngạch 27,8 tỷ USD

Riêng thị trường Hoa Kỳ tăng 21% với kim ngạch 25,5 tỷ USD

Châu Á đạt kim ngạch 68,5 tỷ USD, tăng 15,6%

Châu Đại dương tăng 21,2%

Châu Phi tăng 8%



Đánh giá chung về đặc điểm của xuất nhập khẩu năm 2013, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Xuất khẩu cả nước tăng mạnh bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới chưa phục hồi và sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn; Một số nhóm hàng (điện thoại di động, đồ điện tử, túi xách) đã thể hiện sự bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ; Các doanh nghiệp bước đầu hiểu biết và tận dụng ưu đãi của các FTA thông qua việc xin cấp C/O ưu đãi, tuy còn chưa đồng đều ở tất cả các khu vực, mặt hàng.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu năm qua đã cho thấy sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, xuất khẩu năm 2013 đạt 89,5 tỷ USD (chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu), nhập khẩu năm 2013 đạt 76,4 tỷ USD (chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu). Các doanh nghiệp này cũng dẫn đầu trong việc xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp, nông sản chế biến.

Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững do giá nhóm hàng nông thủy sản, nhiên liệu phụ thuộc quá nhiều vào giá thế giới, nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh, nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch lớn nhưng giá trị gia tăng phát sinh trong nước thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Hội nghị là vấn đề nhập siêu của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Theo ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại tại Trung Quốc, thị trường Trung Quốc đang là thị trường nhập siêu lớn của Việt Nam, chủ yếu là mặt hàng nguyên vật liệu như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng, v.v…

Một số nguyên nhân chủ yếu của việc nhập siêu là do nhu cầu thiết bị, máy móc nhập khẩu để sử dụng trong nước cũng như sản xuất hàng xuất khẩu rất lớn và các ưu đãi thuế từ Hiệp định ACFTA, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng với sự khuyến khích từ Chính phủ Trung Quốc. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho hàng hóa nhập khẩu vào nước ta.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *