Tiền và Hàng 25/02/2015 02:40

Người Việt chi 145 USD mua sắm online mỗi năm

FICA - Giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 145 USD và doanh số thu từ thương mại điện tử đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12 % tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.

Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA, Bộ Công thương), giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 145 USD và doanh số thu từ thương mại điện tử đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12 % tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. 

Với dân số Việt Nam năm 2014 khoảng 90,73 triệu người, tỷ lệ người sử dụng internet tăng lên 39%, ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của một người năm 2014 là 145 USD, tăng 25 USD so với con số 120 USD trong năm trước đó.

So với kết quả khảo sát thực hiện trong năm trước đó, doanh thu toàn lĩnh vực này của cả nước cũng tăng thêm khoảng 35% (năm 2013, doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt khoảng 2,2 tỷ USD). Nếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng này, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam có thể đạt mốc 4 tỷ USD như kỳ vọng trước đó của VECITA. 

Trong tương quan so sánh với các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ  hay Trung Quốc thì doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Trong đó, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ bằng 10 lần so với Việt Nam, Hàn Quốc gấp khoảng 20 lần Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ khoảng trên 100 lần. Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam chỉ tương đương Indonesia.

Kết quả khảo sát với người dân có mua sắm trực tuyến năm 2014 cho thấy, 58% số người truy cập Internet đã từng mua hàng trực tuyến.  Sản phẩm được lựa chọn tập trung vào các mặt hàng như đồ công nghệ và điện tử (60%), thời trang, mỹ phẩm (60%), đồ gia dụng (34%), sách, văn phòng phẩm (31%) và một số các mặt hàng khác. 

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 71% người tham gia khảo sát đã mua hàng trực tuyến thông qua website bán hàng hóa/ dịch vụ, tăng 10% so với năm 2013. Số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 45% năm 2013 lên 53% năm 2014. Số người mua qua các website mua hàng theo nhóm giảm mạnh từ 51% năm 2013 xuống còn 35% năm 2014. 25% đối tượng cho biết có mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và 13% qua ứng dụng mobile trong năm 2014.

Tại Việt Nam, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt (64%), hình thức thanh toán qua ví điện tử chiếm 37%, và hình thức thanh toán qua ngân hàng chiếm 14%. 
Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014, 6% người mua hàng trực tuyến trả lời rất hài lòng với phương thức mua hàng này. 41% trả lời hài lòng, tăng đáng kể so với tỷ lệ 29% của năm 2013. 48% người mua cho biết cảm thấy bình thường và chỉ 5% số người được hỏi trả lời không hài lòng. Giá trị sản phẩm người mua hàng chọn mua nhiều nhất là mức từ 1 đến 3 triệu đồng, chiếm 29%. Theo sau là mức trên 5 triệu đồng với 26% người chọn mua, và mức được ít người chọn mua nhất là từ 3 đến 5 triệu đồng với 11%. 

Khảo sát cũng cho thấy uy tín của người bán hay website bán hàng chính là yếu tố người mua sắm trực tuyến quan tâm nhất, 740 người đã lựa chọn yếu tố này, tương ứng với tỷ lệ 81%. Yếu tố giá cả cũng được tới 80% người mua quan tâm, theo sau là cách thức đặt hàng, thanh toán và giao nhận hàng hóa (68%), và thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ (64%).

Năm 2014, vấn đề sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo tiếp tục là trở ngại hàng đầu trong mua sắm trực tuyến (81%). Tiếp đến là trở ngại về dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu (51%), giá cả không thấp so với mua trực tiếp/không rõ ràng (46%), thông tin cá nhân bị tiết lộ (42%), và website thiết kế chưa chuyên nghiệp (29%).

Lý do khiến người dân chưa tham gia mua sắm trực tuyến bao gồm: khó kiểm định chất lượng hàng hóa (78%), không tin tưởng người bán hàng (57%), không có đủ thông tin để ra quyết định (46%), không có thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ thanh toán qua mạng (42%), cảm thấy mua ở cửa hàng dễ dàng và nhanh hơn (38%), cách thức mua hàng trực tuyến
quá rắc rối (26%).

Tuy vậy, 97% số người tham gia khảo sát cho biết vẫn tiếp tục sử dụng hình thức mua hàng qua mạng trong tương lai, tỷ lệ này đã tăng đáng kể so với con số 88% của năm 2013.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *