Tiền và Hàng 23/02/2015 15:26

Cá tra gặp khó khăn trên nhiều "mặt trận"

FICA - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) vừa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc nới lỏng một số quy định đối với ngành cá tra.

Theo đó, VASEP cho biết, qua khảo sát, theo dõi tình hình thị trường xuất khẩu trong năm 2014 và đầu năm 2015 cho thấy, giá xuất khẩu cá tra Việt Nam và các loại cá thịt trắng khác đều đang trong xu hướng giảm. Sự tăng sản lượng cá da trơn từ các nước Châu Á như Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ khiến Việt Nam mất dần vị thế độc tôn trên thị trường thế giới.

 
Sự mất giá của đồng EUR từ cuối năm 2014 tại EU - thị trường nhập khẩu hàng đầu của cá tra Việt Nam, chiếm tới 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ không đủ sức nâng mặt hằng giá cá tra philê xuất khẩu tại khu vực này.
 
Tại thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 - Mỹ cũng có các diễn biến khó lường lường về các chính sách bảo hộ tại thị trường của Chính phủ nước này đang và sẽ gây áp lực lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi phải chịu áp thuế cao cũng như tăng chi phí cho các vụ kiện.
 
Đồng thời, sự mất giá trầm trọng của đồng Rúp tại các nước xuất khẩu tiềm năng cũng khiến thị trường mất khả năng thanh khoản, trong đó có cả sự bế tắc của thị trường Brazil sẽ tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Do đó, VASEP kiến nghị có quy định linh hoạt, mềm dẻo hơn và có lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị thích ứng với quy định mới. Cụ thể, đối với Nghị định 36, VASEP kiến nghị Bộ xem xét bãi bỏ quy định thu mua theo giá sàn, bãi bỏ thủ tục đăng ký Hợp đồng xuất khẩu cá tra. 
 
Theo VASEP, mục tiêu của việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu là nhằm tạo cơ sở dữ liệu để  kiểm soát được sản lượng và giá mua nguyên liệu làm cơ sở để điều tiết sản lượng theo cung cầu đồng thời kiểm soát được tình trạng tăng giảm giá cá nguyên liệu thất thường, bảo vệ quyền lợi cho người nuôi. Tuy nhiên, sau gần 6 tháng thực hiện việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu và cơ quan quản lý chỉ mới thống kê sản lượng thông qua đăng ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa kê khai giá mua nguyên liệu.
 
Về khai sản lượng, thông thường khi khai báo Hải quan làm thủ tục xuất khẩu cho phép doanh nghiệp được khai báo chênh lệch số lượng ± 10% do đó doanh nghiệp sẽ thường khai nâng lên con số thực tế và đang ký với Hiệp Hội đề phòng thay đổi số lượng vào phút cuối khi có yêu cầu từ khách hàng thay đổi hợp đồng hoặc do khả năng chứa hàng của container khi xuất hàng. Số lượng xuất khẩu chính xác chỉ có được khi cơ quan Hải Quan thanh khoản tờ khai xuất khẩu. Do đó, việc kê khai số lượng khi đăng ký hợp đồng đã không thể hiện con số chính xác để các cơ quan làm cơ sở quản lý sản lượng. 
 
Về giá sàn nguyên liệu, thực tế cho thấy hơn 70% sản lượng cá tra đã được nhà máy tổ chức nuôi, quản lý theo các tiêu chuẩn nuôi an toàn theo chuỗi. Ngành công nghiệp cá tra không còn những hộ nuôi nhỏ lẻ mà đã hình thành những mô hình liên kết vì quyền lợi của các bên. Vì vậy, việc khai báo giá cá tra nguyên liệu thu mua không còn ý nghĩa bảo vệ quyền lợi cho người nuôi như ban đầu. Hơn nữa, việc quy định giá sàn thu mua trên cơ sở tính giá thành nuôi cá là đi ngược lại với quy luật thị trường và có thể tạo tâm lý ỷ lại, thiếu tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường sản xuất nguyên liệu. Thêm vào đó, việc quy định giá sàn đưa ra theo mùa vụ sẽ khiến thị trường thiếu linh hoạt và không phản ánh kịp thời biến động giá nguyên liệu vốn bị chi phối mạnh mẽ bởi sự đa dạng của thị trường tiêu thụ thế giới. 
 
Về mặt thủ tục hành chính, mặc dù Hiệp hội cá tra đã nỗ lực để việc thực hiện đăng ký xuất khẩu diễn ra thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; tuy nhiên qua gần 6 tháng thực hiện doanh nghiệp nhận thấy sự bất cập của hệ thống đăng ký khi doanh nghiệp phải đăng ký theo phương thức truyền thống. Việc này gây ra sự ách tắc trong xuất khẩu như trễ lịch tàu chạy khi thủ tục bị chậm hoặc khó khăn khi thay đổi số lượng hàng hóa trong nhiều trường hợp hợp đồng thay đổi. Doanh nghiệp phải cộng thêm chi phí nhân viên chuyên lo thủ tục đăng ký. Ngoài ra vì do các hợp đồng xuất khẩu đều phải đăng ký với Hiệp hội cá tra và phải xuất trình khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu nên khi đăng ký mở tờ khai hải quan đều bị đưa vào luồng vàng để hải quan kiểm tra tất cả hồ sơ, gây mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp khi thông quan.

Phương Dung

Theo VASEP

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *