Tiền và Hàng 29/12/2013 09:04

Lại lo với thực phẩm mất an toàn!

Cuối năm, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Nhất là khi gần đây dồn dập những thông tin phát hiện mứt làm trên nắp hố ga, thịt bẩn tràn vào TP.HCM, nhiều loại giò chả có hàn the, hàng khô trôi nổi đóng mác giả lừa người tiêu dùng, rượu độc gây chết người…

Thịt bẩn tràn lan

Mới đây nhất, ngày 20.12, trạm kiểm dịch động vật quận Thủ Đức (TP.HCM) phối hợp với đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc kiểm tra xe khách đã phát hiện 7,5 tạ thịt “bẩn”. Xe khách chạy tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng do tài xế Tôn Thất Hoàn Vũ (31 tuổi, quê Quảng Nam) điều khiển chở 9 thùng xốp đựng 246 con heo sữa, 87kg mỡ heo và lòng heo với tổng trọng lượng là 749 kg đã bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số hàng trên đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Theo lời tài xế, lô hàng này được lấy nguồn từ huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để đưa vào TP.HCM tiêu thụ.
 
 Thịt không giấy tờ bị cơ quan chức năng phát hiện.    Ảnh: Võ Tuấn
 
Cũng tại trạm Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, sau đó 4 ngày (24.12), đoàn liên ngành lại phát hiện hiện xe du lịch 16 chỗ do ông Phạm Quốc Huy (28 tuổi, ngụ P.7, Q.8) vận chuyển thịt heo chết từ Trảng Bom (Đồng Nai) vào TP.HCM tiêu thụ. Tổng số heo chết là 5,5 tạ đều có giấy kiểm dịch và không xác định được nguồn gốc. Theo đại diện trạm kiểm dịch, toàn bộ số heo trên qua kiểm tra đều xác định là đã chết từ nhiều ngày trước khi mổ, trên da bị xuất huyết, rỉ dịch, nhiều con có dấu hiệu thối rữa, bốc mùi hôi thối. Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết: “Đây là lần thứ 3 trong năm 2013, trạm này đã phát hiện ông Phạm Quốc Huy vận chuyển thịt heo thối từ Trảng Bom vào TP.HCM tiêu thụ. Hai lần trước, mẫu heo chết mang đi xét nghiệm đều bị nhiễm dịch tả và tai xanh. Trạm lập biên bản xử phạt ông Huy 10 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ lô hàng”. 

Không chỉ tại các cửa ngõ của TP, ngay tại trung tâm, tình trạng thực phẩm bẩn cũng xuất hiện nhan nhản. Cụ thể, lúc 5 giờ sáng 23.12, đoàn kiểm tra liên ngành TPHCM đột kích vào “lò” chuyên tập kết thịt dê, cừu trái phép tại địa chỉ C6/37A Phạm Hùng (ấp 4, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) do ông Lê Miêng Trường (64 tuổi) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận gần 2 tấn thịt dê, cừu ướp trong các thùng đá, tủ đông lạnh đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đặc biệt, trong số gần 2 tấn thịt này có tới 1.337kg có dấu kiểm soát giết mổ của Chi cục Thú y Ninh Thuận. Theo chủ cơ sở, toàn bộ lô hàng gần 2 tấn thịt dê, cừu được nhập về từ Ninh Thuận, sau đó bán tại chợ Hòa Bình (Q.5) để cung cấp cho một số quán ăn trên địa bàn Bình Chánh và làm khô dịp cuối năm để đưa ra thị trường.

Đồ khô… ba không!
 
Sợ nhất là các loại thực phẩm khô phục vụ cho thị trường Tết như mứt, lạp xưởng, đồ khô… mất an toàn thực phẩm với các loại không nhãn mác, xuất xứ. Tại chợ Kim Biên, Bình Tây, Bến Thành... hàng hóa phục vụ Tết về chợ đang tăng, đặc biệt là bánh mứt phân phối sỉ cho các tỉnh. Trong đó, mứt, bánh, hạt dưa không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai. 
 
Chợ Bình Tây là nơi chuyên phân phối sỉ các loại bánh mứt cho các tỉnh. Tại đây, các loại bánh mứt đã được trưng bày đủ loại với các mức giá khác nhau. Khi được hỏi về xuất xứ các loại bánh mứt thì người bán cho biết, phần lớn mứt được lấy ở các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng(!). Hạt dưa đủ loại, màu đỏ từ đậm đến nhạt bỏ vào bao lớn, cũng được bán rất nhiều. Thắc mắc về cơ sở sản xuất, nhãn hiệu, đa phần người bán cũng đều trả lời không biết hoặc lấy từ phía Bắc chuyển vào, còn cơ sở nào sản xuất thì các chủ sạp đều… lắc đầu không biết.
 
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, bên cạnh một số thương hiệu có uy tín được đóng gói cẩn thận chiếm thị phần nhỏ, phần lớn các loại bánh mứt, thực phẩm khô đều được bán theo kiểu ba không: “Không nhãn mác, xuất xứ, thời hạn sử dụng”. Nguồn hàng được lấy từ các điểm làm mứt tự phát theo thời vụ “đến hẹn lại lên” tại quận 3, 5, 6 và 11. Ngoài ra, các loại bánh kẹo bán theo cân thường có xuất xứ từ Trung Quốc  được bỏ sỉ về các chợ tỉnh ở miền Tây và miền Trung. 
 
Khu vực chung cư đường sắt (đường Lý Thái Tổ, quận 3), đường Xóm Đất, quận 11, TP.HCM là nơi chuyên sản xuất mứt giá rẻ cung ứng cho các chợ trên địa bàn TP.HCM. Tại các cơ sở này, việc sản xuất chủ yếu là thủ công tận dụng tất cả mặt bằng trống của con hẻm, vỉa hè để thực hiện các công đoạn gọt vỏ, cắt xén, rửa, phơi, ngâm… Bắt đầu tháng 11 dương lịch, các chủ cơ sở đã khởi động làm mứt, kịp bỏ mối cho các chợ sỉ. Giá các loại mứt thành phẩm ở các khu vực này đưa ra thị trường khá mềm, thường dao động từ 25.000 - 120.000 đồng/kg. Còn tại chợ Kim Biên, Bình Tây, mức giá mứt được bán dao động bỏ sỉ tuỳ loại từ 35.000 - 150.000 đồng/kg. 
 
Nếu so sánh giá thành sản xuất thì theo một cơ sở sản xuất mứt có tên tuổi tại quận 5 cho biết, thông thường các cơ sở đưa ra giá rẻ thường sử dụng đường hoá học, chất bảo quản, hoá chất tẩy trắng, màu công nghiệp, hàn the… được bán trôi nổi tại Chợ Kim Biên. 
 
Chỉ riêng mặt hàng khô, đây chính là thời điểm vào mùa với các loại: Khô bò, mực, nai, cá… Trong khi giá khô bò được các chợ cạnh tranh với mức giá 180.000 đồng - 390.000 đồng/kg thì theo khuyến cáo của các chuyên gia, các loại khô bò giá ở mức 180.000 - 240.000 đang được niêm yết chắc chắn không phải khô bò. Thông thường thịt bò tươi đã có giá xấp xỉ gần 200.000 đồng và nếu đúng khô bò thì giá ít nhất từ 350.000 - 400.000 đồng/kg.
 
Nếu ở dưới mức giá trên thì chắc chắn sản phẩm khô bò được rao bán chỉ là khô heo hoặc pha trộn khô heo. 
 
Mười hai tấn thịt bò được nhập khẩu từ nước ngoài đã hết hạn sử dụng gần 2 năm vừa phát hiện mấy ngày trước đây ở kho Nhan Lý (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Nếu số hàng này được tiêu thụ trót lọt thì chắc chắn sẽ có hàng nghìn người tiêu thụ những sản phẩm này.
 
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn 24 quận, huyện của TP hiện có khoảng gần 50.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang hoạt động. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM nhận định, tình hình ATVSTP tại TP có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp. Tại quận 6, số lượng cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm khô, bánh mứt đã ở mức khoảng 4.500 cơ sở lớn nhỏ. Trưởng phòng Y tế quận 6 cho biết:
 
“Trong thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thời vụ mọc lên. Do đó, việc các cơ sở thực hiện sai quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm không đạt chất lượng, mất VSATTP là điều lường trước được”. Cũng theo ông Thái Hoà: “Các cơ sở sản xuất tự phát thời vụ thường nằm ở các vùng ven, quy mô nhỏ nên khó phát hiện nếu có sai phạm”. 
 
Theo Võ Tuấn
Lao động
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *