Tiền và Hàng 17/03/2015 08:26

Hiệp hội Mía đường “kêu khổ”, cầu cứu Bộ Nông nghiệp

FICA – Trong bức tâm thư dài 5 trang gửi lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch VSSA không ngừng giãi bày về nỗi thống khổ của Hiệp hội mình và tố Bộ Công thương đưa ra chính sách không công bằng, “chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm để bóp chết sản xuất trong nước”.

Xung quanh những tranh cãi liên quan đến ngành, ngày 13/3, Hiệp hội Mía – Đường Việt Nam (VSSA) tiếp tục có công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) báo cáo chính thức về quan điểm của Hiệp hội.

Ngay tại đầu “bức tâm thư” này, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch VSA đã “rào đón”: “Nếu Hiệp hội không trình bày thì Bộ trưởng và lãnh đạo các cấp làm sao thấu hiểu hết hoàn cảnh và nguyện vọng đích thực của Hiệp hội trong khi dư luận bàn tán nhiều vấn đề liên quan tới sự sống còn của ngành”.

Về việc “vì sao các Hiệp hội khác như điều, cà phê, lúa gạo không ồn ào, chỉ có Hiệp hội mía đường hết kêu ca này đến kêu ca khác?”, theo ông Long là bởi ngành mía đường xảy ra những bất cập riêng không giống các ngành khác.

Chủ tịch VSSA khẳng định, về kỹ thuật công nghệ, Việt Nam không hề thua kém, nhưng về chính sách quốc gia khác nhau thì doanh nghiệp không thể làm khác được. Ông Long lập luận: Hoàng Anh Gia Lai không xây dựng nhà máy đường tại Việt Nam mà phải sang Lào đầu tư? Chính là do điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đã tìm thấy từ những chính sách ưu đãi của Lào là nền tảng để Hoàng Anh Gia Lai sản xuất được đường có giá cạnh tranh.

Đồng thời, Hiệp hội cũng cho biết không hề phản đối việc nhập đường, mà chỉ yêu cầu nhập như thế nào để không bị làm trái với các quy định hiện hành để lợi dụng của nhóm lợi ích và đề xuất mức hạn ngạch là 50.000 tấn đường từ Lào. Trong đó, nên nhập sau khi vụ ép mía đường trong nước kết thúc để giảm dư thừa cục bộ gây tồn kho lớn trong nước và thuế nhập khẩu không nên miễn hoàn toàn như đề nghị của Bộ Công thương mà nên áp dụng mức thuế nhập khẩu đường đã cam kết chung đối với AFTA.

Giá đường cao – “trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương”

Liên quan đến câu chuyện giá đường, VSSA chỉ ra rằng, ở Lào, Hoàng Anh Gia Lai tự sản xuất mía đưa vào chế biến không phải mua nên giá thành nguyên liệu mía đưa vào nhà máy không bao gồm chi phí lợi nhuận cho nông dân trồng mía nên có giá thấp. Ngoài ra chi phí đầu tư cơ bản xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy có thể đã được bù đắp một phần bởi chính sách hỗ trợ đầu tư và các nguồn thu khác có được trong quá trình khai mở đất.

Trong khi đó ở Thái Lan giá mía đưa vào chế biến chỉ 30 – 35 USD/tấn. Tiền mía trong giá thành chế biến đường chỉ ở mức 300 – 350 USD/tấn hay 6.000 – 7.000 đ/kg đường, trong khi ở Việt Nam tiền mía chiếm 8.000 – 10.000 đ/kg đường, chênh lệch 2.000 – 4.000 đ/kg đường. “Chênh lệch này thuộc yếu tố nông nghiệp mà nông dân và nhà máy đường không thể một sớm một chiều tự khắc phục”.

Cũng theo VSSA, giá đường bán lẻ ở 2 nước (Việt Nam – Thái Lan) xấp xỉ nhau, giá đường thô nhập từ Thái Lan bán buôn tại TPHCM rẻ hơn đường nội 1.500 – 2.000 đồng/kg. Chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ trên thị trường rất lớn (5.000 – 8.000 đồng/kg) – theo khẳng định của ông Long, “chênh lệch này các nhà máy đường không được hưởng và thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành công thương”. Thực tế các nhà máy đường không thể tạo hệ thống bán lẻ hết sản lượng sản xuất, mà phải qua mạng lưới tiêu thụ chung đã được xã hội hóa.

Ông Long cũng cho biết, các nhà máy đường căn cứ giá đường bán được mà định giá mía mua vào để chế biến, khi giá đường tốt thì cả 2 cùng hưởng, giá đường thấp thì cả 2 cùng chịu. Tuy nhiên, khó khăn của ngành điện là đang phải gồng gánh để cạnh tranh với đường lậu. “Giá cả ổn định là lợi ích đầu tiên của người tiêu dùng; giá đường bán buôn giảm nhưng thị trường bán lẻ và các sản phẩm dùng đường làm nguyên liệu vì sao không giảm là vấn đề cần xem lại, không phải lỗi của các nhà máy đường” – ông Long cho hay.

Yếu kém của ngành - lỗi tại chính sách?

Phản bác lại nghi vấn “Phải chăng lãnh đạo Hiệp hội là chủ các doanh nghiệp mía đường nên chỉ đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các nhà máy đường?”, Chủ tịch VSSA cho rằng, “Hiệp hội Mía đường chịu va chạm để đổi lấy sự minh bạch trong thực thi pháp luật” và yêu cầu “quyền lợi các bên phải bình đẳng, tạo xã hội công bằng, công khai”.

Và tại bức “tâm thư” dài tới 5 trang gửi lên Bộ NNPTNN, Chủ tịch VSSA cho biết, chỉ yêu cầu Nhà nước mà đặc biệt là Bộ Công thương “đừng có ban hành chính sách xuất nhập khẩu đường bất cập, không đạo lý, chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm để bóp chết sản xuất trong nước nhất là sản xuất nông nghiệp”.

Đồng thời, yêu cầu “phải có chính sách để làm sao giữ giá đường ở mức hợp lý mà ở đó người trồng mía sống được và nhà máy đường không kiệt quệ, ngành Mía đường không phá sản và người Việt Nam tiêu dùng đường không bị móc túi phải mua đường với giá cao hơn người tiêu dùng của Thái Lan là nước xuất khẩu đường đứng thứ 2 thế giới”.

Theo Chủ tịch VSSA, “để xảy ra phá sản ngành không phải do hội nhập mà do chính sách Nhà nước không mang tính công bằng, không cạnh tranh với các chính sách mía đường của Thái Lan đủ để giúp ngành phát triển, hoặc chính sách không được thực thi nghiêm túc do bị lợi dụng danh nghĩa bảo vệ người tiêu dùng”.

Và như vậy, câu chuyện đôi co trong ngành đường có lẽ còn chưa khép lại, trong khi bất cập ngành thì vẫn tồn tại và chưa biết, sau tất cả, người nông dân trồng mía và người tiêu dùng có nhận được lợi ích chính đáng dành cho mình hay không?!

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *