Tiền và Hàng 16/03/2015 15:18

Doanh nghiệp xuất khẩu kêu phí vận tải biển tăng "phi mã"

FICA - Trung bình mỗi tháng giá cước vận tải biển phải tăng 300 USD. Nếu như tháng 6-7/2014 là thời điểm tăng giá cước cao, 1 container 20 feet thủy sản khô đi thị trường Mỹ là 2.300 USD thì đến tháng 3/2014 giá cước đã tăng gần 70% lên 3.800-3.900

Tại “Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển” diễn ra tuần qua, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) - ông Nguyễn Hoài Nam phản ánh, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chịu cước phí vận tải tăng "phi mã" và nhiều loại phụ phí vô lý của các hãng tàu.

Theo phản ánh của ông Nam, trung bình mỗi tháng giá cước vận tải biển phải tăng 300 USD. Nếu như tháng 6-7/2014 là thời điểm tăng giá cước cao của các hãng tàu là thời điểm tăng giá cước cao của các hãng tàu nước ngoài, 1 container 20 feet thủy sản khô đi thị trường Mỹ là 2.300 USD thì đến tháng 3/2014 giá cước đã tăng gần 70% lên 3.800-3.900 USD/container. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi giá trị hàng năm trung bình là 1,5 tỷ USD, chiếm đến hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu. 

Hơn nữa, hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng xuất CIF ngày càng nhiều nên càng lo lắng giá bấp bênh về, bất lợi về đàm phán và rủi ro về thương mại. Ngoài ra, từ ngày 1/4 tới, đồng loạt các hãng tàu thông báo tăng các loại phụ phí như: phí bốc xếp tại cảng, phí chứng từ… loại phí vô lý nhất là phí mất cân bằng container cũng tăng từ 60 USD/container 40 feet lên 100 USD/container.

"Các hãng tàu dường như không để tâm đến các động thái của Chính phủ, cơ quan quản lý và sự “kêu gào” của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam", ông Nam nói.

Ngoài ra, một đại diện của cảng Tiên Sa còn cho biết, thực tế hiện nay các hãng tàu nước ngoài còn thu các loại phí cao gấp 2-3 lần so với cảng.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, việc thu phụ phí, cước phí của các hãng tàu biển nước ngoài một cách không có cơ sở hay việc tăng giảm bất hợp lý là sự cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền thị trường. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng loạt, thường xuyên doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển đồng thời sẽ đưa những chế tài kiểm soát các loại phí, phụ phí trong sửa đổi Luật Hàng hải Việt Nam. 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *