Tiền và Hàng 17/03/2015 08:00

Lăm le tăng giá theo điện, xăng

Giá cả hàng hóa, dịch vụ ngoài thị trường đã bắt đầu có những xáo trộn với lý do điện, xăng tăng giá.

Tại tọa đàm trực tuyến “Điều hành giá thị trường - Nhìn từ xăng và điện” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 16-3, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết bộ này đã có các biện pháp để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

Giá dịch vụ, hàng hóa rục rịch tăng

Theo ông Tuấn, trước diễn biến giá điện, xăng dầu như vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành yêu cầu theo sát tình hình giá cả, tham mưu bình ổn giá đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn. Với các mặt hàng trong diện kê khai giá thì phải thực hiện đầy đủ việc kê khai, kiên quyết không cho tăng theo hiệu ứng. Nếu muốn tăng thì phải báo cáo đầy đủ chi phí đầu vào, không đúng quy định sẽ bị xử lý” - ông Tuấn nói.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết hiện nay, vai trò của Chính phủ trong việc can thiệp bình ổn giá đã tốt hơn thông qua hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) nhằm tạo điều kiện cho sản xuất tăng nguồn cung, định hướng người tiêu dùng tránh lạm phát. Hơn nữa, CPI tháng 2-2015 đã giảm 0,5% nên vẫn trong vòng kiểm soát của Chính phủ.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng việc tăng giá điện 7,5% chỉ khiến các hộ sử dụng điện dưới 300 KWh phải trả thêm mỗi tháng từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng.

Giá thực phẩm ở một số chợ tại Hà Nội đang rục rịch tăng Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Giá thực phẩm ở một số chợ tại Hà Nội đang rục rịch tăng Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Tuy nhiên thực tế, theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, diễn biến giá ngoài thị trường đã bắt đầu có những xáo trộn với lý do điện, xăng tăng giá. Một tiểu thương tại chợ đầu mối rau quả Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Nhà xe chở hàng đã thông báo sẽ tăng giá cước từ tuần sau vì xăng dầu tăng giá. Mỗi tấn hàng lúc trước có giá cước 500.000 đồng, sau đợt giá xăng giảm vừa qua thì còn 420.000-430.000 đồng, nay xăng mới tăng giá đã có nơi đòi cước 450.000 đồng/tấn”.

Tại một số chợ lẻ ở Hà Nội như Hoàng Mai, Dịch Vọng Hậu, tuy giá rau tăng nhẹ trong tuần qua do yếu tố thời tiết nhưng sang tuần này, trời bắt đầu nắng ráo, các tiểu thương cho biết giá vẫn khó giảm vì nhiều chủ vườn ngoại thành đang lăm le tăng.

Một số dịch vụ khác như xe ôm, rửa xe… cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng giá. Đặc biệt, một số hộ gia đình thuê nhà sử dụng điện theo giá kinh doanh cho biết chủ nhà đã thông báo sẽ tăng giá điện vào tháng 5-2015 với mức từ 3.500-4.000 đồng/KWh lên khoảng 4.500-5.500/KWh.

Doanh nghiệp “cố thủ”

Theo một DN sản xuất thủy sản đông lạnh khu vực phía Bắc, giá điện tăng 7,5% sẽ khiến DN này phải tăng thêm chi phí khoảng 200 triệu đồng/tháng. “Sản xuất thủy sản đông lạnh đòi hỏi điện rất lớn trong khi giá bán không thể tăng tùy tiện vì đã ký đơn hàng từ trước. Hiện chúng tôi cạnh tranh với các DN trong nước, nhất là khu vực phía Nam, đã rất khó khăn rồi thì xuất khẩu sang các nước khác càng khó” - đại diện DN này than phiền.

Với ngành vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), cho biết DN này mới giảm giá cước vận tải trước Tết  Nguyên đán Ất Mùi với mức khá hợp lý. “Giá xăng tăng hơn 1.600 đồng/lít rõ ràng ảnh hưởng đến chi phí của DN nhưng chưa thể tăng giá cước ngay được bởi thời điểm đầu năm nhu cầu đi lại ít, nếu không giữ giá rất có thể sẽ mất khách” - ông Hải nói.

Tuy nhiên, nếu giá xăng tiếp tục tăng theo diễn biến giá thế giới và do tác động của tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ được thực thi trong thời gian tới đây thì chắc chắn DN vận tải phải cân nhắc phương án kê khai điều chỉnh giá. “Việc điều chỉnh giá ngoài xem xét đến chi phí đầu vào còn phải căn cứ nhu cầu khách hàng nên chúng tôi phải hết sức thận trọng. Trước mắt, chỉ có thể cố gắng tiết giảm tối đa chi phí để tránh lỗ” - ông Hải nêu thực tế.

Không phải cái gì cũng so với thế giới

Trước lý do tăng giá điện và xăng dầu để từng bước tiến tới giá thị trường, đưa giá các mặt hàng thiết yếu tương đương các nước trên thế giới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng so sánh như vậy là không thỏa đáng.

“Trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng thì giá trong nước phải hội nhập với giá thế giới là đương nhiên nhưng không phải mọi loại sản phẩm đều so sánh. Hiện nay, lương của người dân nước ta không thể bằng các nước trong khu vực; năng suất lao động thấp và các yếu tố khác như bảo hiểm, rủi ro trong sử dụng điện... đều không có. Vậy chỉ so sánh đầu vào để tăng giá là bất hợp lý” - ông Long nói.

Theo Phương Nhung

Người lao động

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *