Thời sự 01/08/2014 06:27

‘Hết phép’, tín dụng trông chờ trái phiếu

Ngân hàng có lẽ đã "bó tay" trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế và chỉ còn biết trông chờ vào tăng phát hành trái phiếu Chính phủ?

Kênh hút tiền

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, Chính phủ thông qua Kho bạc Nhà nước đã phát hành một lượng vốn trái phiếu trên 150 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cả năm 2013 và các ngân hàng tiếp tục là những nhà đầu tư chính.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, với mục tiêu đề ra tăng trưởng GDP năm nay trên 5,3% thì Bộ Tài chính có quyền phát hành trên 300 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, nửa năm còn lại, nếu phát hành thành công thêm 150 nghìn tỷ đồng và toàn bộ số tiền thu được qua phát hành trái phiếu được đẩy ra nền kinh tế thì mọi chuyện êm đẹp, tín dụng chỉ cần tăng 7% vẫn đảm bảo cho tăng trưởng GDP đúng mục tiêu đề ra. Tuy không đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ 12-14% thì ngân hàng vẫn có đóng góp rất lớn, đó là mua trái phiếu Chính phủ, tạo nên nguồn tài chính cho ngân sách chi tiêu. Vì nếu ngân hàng không mua thì chẳng ai mua.

Tuy nhiên, nhiều kinh tế gia lại lo ngại khi thấy dòng tiền từ ngân hàng đang chảy mạnh vào trái phiếu. Các phân tích cho rằng, nếu nguồn vốn Chính phủ vay mà sử dụng kém hiệu quả, chèn lấn DN thì tiềm năng tăng trưởng kinh tế bị thu hẹp, có thể giải quyết vấn đề trong năm nay nhưng những năm sau sẽ phát sinh nhiều hậu quả khó lường.

Ngân-hàng, trái-phiếu, Chính-phủ, tín-dụng, tăng-trưởng, DN, kinh-tế, vốn.

Theo các chuyên gia,  mục đích cuối cùng đầu tư vào nền kinh tế là làm thế nào cộng đồng DN, đặc biệt là khu vực tư nhân, phải phát triển. Vì thế, ttrái phiếu Chính phủ như một nguồn thu hút, nếu sử dụng không tốt chắc chắn sẽ chèn ép các khu vực khác.

'Ngủ ngon' với trái phiếu?

Trong bối cảnh DN đang khó khăn, các ngân hàng cũng không có động cơ đẩy mạnh cho DN vay, ít nhất họ có một kênh là đẩy vào trái phiếu Chính phủ. Đấy là một trong những nguyên nhân gây ra tranh giành vốn với khu vực tư nhân.

Hiện tại các ngân hàng có tình trạng cán bộ tín dụng sợ trách nhiệm, sợ pháp luật luật, sợ bị cơ quan chức năng “sờ gáy” nên từ chối các nhu cầu vay một cách rất bất thường. Cho DN vay bây giờ rất không yên tâm, một dự án có thể hôm nay tốt nhưng ngày mai lại không, thế nên không có gì chắc chắn cả. Tiền không cho DN vay thì cũng có "cửa" khác đó là đầu tư mua giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, lãi suất thấp nhưng có thể “kê gối ngủ ngon”

.

Ngân-hàng, trái-phiếu, Chính-phủ, tín-dụng, tăng-trưởng, DN, kinh-tế, vốn.

Tín dụng sẽ không chảy vào sản xuất kinh doanh mà lại chỉ trông chờ vào trái phiếu (ảnh minh họa)

Không những thế, lãi suất trái phiếu thời gian qua đã giảm xuống thấp, mua trái phiếu, các ngân hàng không có lãi. Để đảm bảo lợi nhuận, nhà băng sẽ cố giữ lãi suất cho vay cao khiến DN càng khó tiếp cận vốn. Khi đó, tín dụng không chảy vào sản xuất kinh doanh mà lại chỉ trông chờ vào trái phiếu. Đấy là cái vòng luẩn quẩn mà NH sẽ phải đối mặt trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, về bản chất, trái phiếu Chính phủ là khoản vay, tức là vay thì phải trả nợ gốc và nợ lãi. Thế nhưng, hầu hết số vốn huy động lại đầu tư vào những lĩnh vực không có thu hồi (y tế, giáo dục, thủy lợi, giao thông... ), cho nên toàn bộ gánh nặng trả nợ gốc và nợ lãi sẽ thuộc về ngân sách Nhà nước. Việt Nam cần nguồn vốn cho đầu tư công, nhưng nếu đi vay quá nhiều, gánh nặng nợ công sẽ tăng lên.

Ngoài ra, trái phiếu huy động nhiều, không giải ngân kịp lại đem gửi ngân hàng với lãi suất thấp cũng sẽ gây ra nhiều thiệt hại.

Theo quy định, khi đã mua trái phiếu Chính phủ thì sau 2 ngày, đơn vị mua phải chuyển ngay 100% số tiền về Kho bạc Nhà nước. Về nguyên tắc thì huy động đến đâu, phải giải ngân đến đấy, không để tồn đọng.

Song làm được điều đó thì chưa hẳn, bởi muốn giải ngân phải có quy trình, thủ tục và với số lượng phát hành lớn thì việc giải ngân toàn bộ số tiền này không thể trong thời gian ngắn. Với các công trình dự án luôn chậm tiến độ như tại Việt Nam thì giải ngân chậm là điều không thể tránh khỏi. Trong khi số vốn huy động lớn mà giải ngân chậm thì càng tiềm ẩn rủi ro cao.

Có lẽ, các ngân hàng đang phát đi tín hiệu "bó tay" trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế và chỉ còn biết trông chờ vào trái phiếu Chính phủ. Nó cũng chứng tỏ nhu cầu sử dụng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện, nút thắt tín dụng vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo giới chuyên môn, để giải quyết vấn đề tăng trưởng tín dụng thì phải đi từ tháo gỡ nút thắt là xử lý nợ xấu. Đáng tiếc là đến nay vấn đề nổi cộm này được đặt ra từ lâu nhưng việc xử lý rất chậm.

Theo Trần Thủy

VEF

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *