Thời sự 05/03/2014 08:40

Vốn thừa chảy vào đâu?

Thừa vốn, ngân hàng vẫn khó cho vay là nghịch lý đang diễn ra trên thị trường tiền tệ hiện nay. Đi cùng với thực tế này là chuyện không nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn. Vậy dòng tiền ngân hàng đang chảy vào đâu?

Ưu đãi nhiều, vẫn khó cho vay

Thời gian qua, các ngân hàng từ lớn đến nhỏ liên tục tung ra những gói vốn ưu đãi. Không chỉ ưu đãi về lãi suất, điều kiện cho vay, nhiều ngân hàng còn "đánh" vào những phân khúc khách hàng chuyên biệt như DN xuất khẩu hay DN dược...

Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng hỗ trợ DN. Theo đó, DN có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng với lãi suất VND từ 8%/năm và lãi suất USD từ 3,8%/năm trong 3 tháng đầu tiên. SeABank cũng đưa ra gói ưu đãi 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và hộ kinh doanh cá thể với lãi suất từ 8,5%/năm.
 
 
Mặc dù các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay. Trong ảnh: Phân xưởng may hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang.     Ảnh: Trần Việt
Mặc dù các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay. Trong ảnh: Phân xưởng may hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Trần Việt
 
Bên cạnh giảm lãi suất, nhiều ngân hàng cũng chọn phân khúc khách hàng chuyên biệt và cụ thể thuộc các ngành nghề khác nhau. Đơn cử, BIDV đang dành nhiều ưu đãi về lãi suất, phí cho các khách hàng ngành dược. Ngân hàng tập trung "kích" cho vay, tuy nhiên, đẩy vốn ra nền kinh tế vẫn là một bài toán khó. Hiện không nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng.
 
Đại diện Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho biết, hiện có tới 65% diện tích cà phê của Tổng Công ty đã già cỗi, đứng trước nhu cầu cấp thiết phải tái canh. Tuy nhiên, do nợ quá hạn, nợ xấu lớn, DN bị ngân hàng "đóng cửa" các khoản vay. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu lúc này không phải là hạ lãi suất, mà là khả năng tiếp cận được nguồn vốn. 

Mới đây, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ NN&PTNT đã đề nghị các ngân hàng tiếp tục cho những DN chế biến, xuất khẩu được cơ cấu lại các khoản vay cũ và cho vay mới với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải có giải pháp ưu tiên cấp đủ và kịp thời nguồn vốn với lãi suất phù hợp (khoảng 9%/năm), giúp DN đủ vốn thu mua, chế biến, xuất khẩu, nhất là ngành hàng cà phê, cá tra, gạo.

Vốn chưa chảy vào sản xuất kinh doanh

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 20/2, trong khi tiền gửi tiết kiệm tăng 0,83% thì tín dụng lại giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Con số này cho thấy, vốn vẫn chưa chảy nhiều vào sản xuất kinh doanh. Vậy, dòng tiền ngân hàng đang chảy vào đâu?
 
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của ViettinBank.     Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của ViettinBank. Ảnh: Trần Việt
 
Tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 2, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, sau Tết Nguyên đán, tiền chảy vào hệ thống ngân hàng rất nhiều. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất dồi dào trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, do đặc thù và diễn biến của sản xuất kinh doanh nên tăng trưởng tín dụng vẫn âm. 

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tiền thừa nhiều, trong khi không cho vay được, các ngân hàng đã đổ vào mua trái phiếu, nhất là trái phiếu Chính phủ. "Mấy kỳ phát hành trái phiếu Chính phủ vừa qua đều nhanh chóng hoàn thành cho dù lãi suất ngày càng giảm. Tính đến nay, ngân sách đã huy động được tới gần 57.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng lại đang được Kho bạc Nhà nước mang đi gửi tại các ngân hàng, chưa giải ngân được cho các dự án" - ông Bình cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ vốn chảy vào các "sân sau" ngân hàng. Theo báo cáo của Cơ quan Thanh tra giám sát - NHNN, trong năm 2013, đơn vị này đã tiến hành gần 1.000 lần thanh tra và trên 300 lần kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng trên khắp cả nước. Thông qua hoạt động này, NHNN đã nghi ngờ một số nhóm khách hàng là sân sau của các ông chủ ngân hàng. 

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để vốn chảy đúng chỗ không còn cách nào khác là NHNN phải tăng cường công tác giám sát dòng chảy của nguồn vốn.

 
Một lo ngại khác được nhiều lãnh đạo ngân hàng cảnh báo là việc một số ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Nếu không cẩn thận, tình trạng rủi ro tăng trưởng nóng, cho vay dưới chuẩn, nợ xấu tăng cao của năm 2007 sẽ lặp lại.
Theo Đinh Nguyễn
KTĐT
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *