HSBC: Xuất khẩu Việt Nam "căng buồm vượt sóng to"

FICA - Theo HSBC, trong khi nhu cầu của Trung Quốc có thể chậm lại, các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam chính sẽ là châu Âu và Mỹ.

 
Hiệp định TPP mà các doanh nghiệp Việt Nam đang trông đợi có thể sẽ bị trì hoãn cho đến khi Mỹ và Nhật có thể giải quyết được các vấn đề về tiếp cận thị trường.

Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 3 của Việt Nam. Theo đa số các dự đoán, Việt Nam là một quốc gia có thể hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp ước Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ và hưởng các mức thuế suất thấp hơn cho các mặt hàng sản xuất của Việt Nam.

Xét về GDP bình quân đầu người, Việt Nam là nền kinh tế nghèo nhất trong 12 quốc gia tham gia đàm phán. Nhưng những tham vọng của Việt Nam đối với hiệp định này rất rõ ràng: đó là đem lại càng nhiều công việc ổn định cho lực lượng lao động trong nước càng tốt và tăng cường tiếp cận các thị trường đồng thời thúc đẩy lĩnh vực sản xuất tiến lên phía trước.

HSBC cho biết, trong khi các nhà đàm phán đang rất hy vọng rằng một dự thảo hiệp ước sẽ hoàn tất trong tháng 4 thì đáng tiếc là các cuộc nói chuyện cấp Bộ trưởng được tổ chức ở Singapore đã không kết thúc thành công.

Nhật Bản rất cứng rắn đối với các ngành công nghiệp quan trọng như gạo, thịt, lúa mì, sữa và đường. Trong khi đó thị trường Mỹ lại khá nhạy cảm đối với các nhà sản xuất đường, dệt trong nước và hải sản. Trong khi vòng đàm phán tiếp sau vẫn chưa xác định được ngày, các nhà thương thuyết vẫn hy vọng rằng bản thảo của hiệp ước sẽ hoàn tất trong tháng 4, cùng lúc với chuyến đi tới Nhật của Tổng thống Obama trong cuộc hành trình đến thăm các nước trong khu vực.

Chính quyền Obama đang ra sức thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn hiệp ước TPP theo phương thức “fast-track” (ngã tắt) - nghĩa là Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu thuận hay chống cho các hiệp định thương mại trong tương lai. Tuy nhiên, ông Harry Reid – lãnh tụ phe đa số trong Thượng viện Mỹ đã từ chối. Điều đó có nghĩa rằng hiệp định TPP có thể sẽ bị trì hoãn cho đến khi Mỹ và Nhật có thể giải quyết được các vấn đề về tiếp cận thị trường.

Việt Nam sẽ giảm ảnh hưởng thương mại với Trung Quốc?

Trong khi các doanh nghiệp tại Việt Nam đang nóng lòng theo dõi những tiến triển của hiệp định TPP, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vẫn tiếp tục gấp rút. Trong hai tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đã tăng 12,3% mặc dù nhu cầu ở Trung Quốc giảm sút và khí hậu lạnh bất thường ở Mỹ đã kéo nhu cầu tiêu dùng đi xuống.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC cho thấy xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trong tháng Hai mặc dù có vài chỉ số phụ giảm sau khi đã trải qua tháng Giêng tăng mạnh. Đơn hàng xuất khẩu mới là lực kéo chính đã giảm từ mức 52,2 trong tháng Giêng xuống còn 49,3 điểm trong tháng Hai.

Nhóm chuyên gia phân tích lý giải, chỉ số PMI của Trung Quốc giảm dưới mức 50 điểm và những chỉ số tăng trưởng ở Mỹ đang chậm lại do khí hậu lạnh bất thường và lãi suất tăng đã khiến nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam giảm sút. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế HSBC tại Mỹ lại kỳ vọng tăng trưởng Mỹ sẽ mạnh hơn trong năm 2014 so với năm 2013.

Thêm vào đó, một tin tốt lành khác đến từ Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cũng đã thúc đẩy nhu cầu hàng hoá trong những tháng tới. Trong khi nhu cầu của Trung Quốc có thể chậm lại, các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam chính sẽ là châu Âu và Mỹ.

HSBC chỉ ra rằng, nhập khẩu đầu vào đã tăng mạnh trong năm 2014 nếu so sánh với hai năm trước. Nhập khẩu vải bông, nguyên vật liệu ngành may, phụ kiện quần áo và phụ tùng máy móc và linh kiện đã tăng. Nếu nhu cầu nước ngoài chậm lại thì việc tăng trưởng nhập khẩu đầu vào cùng với đơn hàng tăng mạnh hơn hàng tồn kho cho thấy sản lượng sẽ tiếp tục tăng. Dòng vốn FDI giải ngân vẫn tăng sẽ cân bằng những yếu kém từ nhu cầu nước ngoài.

Xuất khẩu các mặt hàng sản xuất chắc chắn sẽ trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên giá cả hàng hoá cũng là vấn đề đối với giá trị hàng xuất khẩu. Theo HSBC, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã mất giá trị trong hai năm gần đây. Dầu thô, gạo, cao su, than, trà và cà phê đều có tăng trưởng âm. Số lượng xuất khẩu dầu thô đã giảm đáng kể kể từ đầu những năm 2000 do nhu cầu đối với dầu nội địa tăng và năng suất lọc dầu trong nước đang tăng.

Mặc dù vậy, đối với những mặt hàng khác như gạo, cà phê và cao su, số lượng hàng xuất khẩu vẫn tăng trong suốt thời kỳ. Gạo, một nguồn thu xuất khẩu quan trọng đã giảm giá trị do sản lượng dư thừa trên thị trường quốc tế đã khiến người nông dân phải giảm số lượng bán ra. Cà phê cũng trải qua tình hình tương tự khi giá giảm trong năm ngoái. Nhưng số lượng hàng xuất khẩu nói chung vẫn tăng mạnh kể từ đầu những năm 2000. Điều này có nghĩa rằng với một Brazil khô hạn đã kéo giá cà phê thế giới tăng lên, cần khuyến khích người nông dân bán sản phẩm trên thị trường quốc tế để nâng giá trị xuất khẩu. Ví dụ về mặt hàng cà phê đã cho thấy giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đáng kể với giá cao hơn, HSBC nhận định.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *