Ông Nguyễn Đức Kiên: “Hàng trăm dự án ODA, chỉ vài sai phạm là điều tích cực!”

FICA - “Trong tổng số hàng trăm dự án ODA mà chỉ có một vài dự án bị sai phạm là điều tích cực. Điều quan trọng khi phát hiện ra sai phạm, chúng ta đã xử lý nghiêm”,

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên chia sẻ với báo chí những vấn đề liên quan đến các dự án ODA và nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam 16 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo chí (Ảnh Việt Hưng)
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo chí (Ảnh Việt Hưng)

Ông nhìn nhận thế nào việc hàng loạt quan chức Việt Nam bị bắt liên quan đến nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam 16 tỷ đồng?

Việc một số doanh nghiệp cố tình làm sai để hưởng lợi trong sử dụng nguồn ngân sách thì ở quốc giao nào cũng có. Đối với Việt Nam, trong tổng số hàng trăm dự án ODA mà chỉ có một vài dự án bị sai phạm, phải thấy đó là điều tích cực. Điều quan trọng và tích cực nhất là khi phát hiện sai phạm minh đã xử lý nghiêm.

Cũng phải nhìn nhận Bộ Giao thông vận tải đã phản ứng rất tốt chuyện này, vì vừa có báo về vụ việc mình đã cử người sang làm việc với Nhật Bản. Vì thế Nhật Bản đánh giá rất cao Việt Nam trong việc xử lý vụ việc.

Sau vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ, đến nay ở Việt Nam lại xảy ra nghi án nhận hối lộ ở ngành đường sắt. Từ những sự việc đó ông đánh giá thế nào về việc “rơi vãi” trong việc sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam hiện nay?

Hiện nay, vốn ODA của mình so với các nước đang sử dụng vốn ODA được các tổ chức quốc tế đánh giá đạt mức trung bình khá. Lấy ví dụ so với rất nhiều nước châu Phi hay Ukraine thì tỷ lệ thất thoát của chúng ta thấp hơn.

Ngay cả Nhật Bản cũng đánh giá việc sử dụng vốn ODA của chúng ta là tương đối nghiêm túc vì hững gì cam kết với họ mình đều thực hiện. Tất nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn có “rơi vãi”, nhưng họ cũng hiểu điều đó cũng có phần lỗi của họ. Tức là khi thi công, các doanh nghiệp Nhật tư vấn nên nếu có vấn đề gì xảy ra thì cả hai bên cùn liên đới.

Ông có lo ngại sau vụ Huỳnh Ngọc Sỹ và đến nay là nghi án hối lộ ở ngành đường sắt, khiến nhiều nước mất lòng tin, từ đó ảnh hưởng đến nguồn vốn ODA cung cấp cho Việt Nam đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hay không?

Tại sao sau vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, Nhật Bản vẫn tiếp tục viện trợ ODA cho chúng ta. Có được điều đó là bởi họ thấy mình làm cương quyết.

Cơ chế của chúng ta có thể chậm phát hiện ra vụ việc. Tuy nhiên, khi đã xác định được vụ việc, chúng ta đã xử lý rất kiên quyết bất kể đối tượng đó là ai. Hơn nữa, mức án dành cho các đối tượng cũng công khai, minh bạch nên tôi nghĩ người ta vẫn tiếp tục ủng hộ mình. Điều đó có nghĩa là họ nhìn vào cách chúng ta ứng xử với từng vụ việc sai phạm cụ thể chứ không phải vì thế mà họ mất niềm tin vào mình.

Vậy có cách nào để làm cho nguồn vốn vay ODA đạt hiệu quả thực sự mà không xảy ra thất thoát trong thời gian tới?

Phải có cách làm được chứ! Vì thế chúng ta mới ban hành Luật Đầu tư công để ai sử dụng cái đó thì phải chịu trách nhiệm và chúng ta cũng quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân.

Xin cảm ơn ông!

 
Quang Phong (ghi)
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *