Nghị quyết Chính phủ "nóng" vấn đề Biển Đông

FICA - Căng thẳng Biển Đông đang tác động tiêu cực đến tình hình phát triển KT-XH, song Việt Nam vẫn nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5, trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan chủ động nắm tình hình, dự báo những khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó với mọi tình huống phát sinh; tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình đối với các hành động sai trái của Trung Quốc.

Nghị quyết của Chính phủ lưu ý, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc, đã và đang đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; khẩn trương giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên trì triển khai các biện pháp đấu tranh ngoại giao với phía Trung Quốc, yêu cầu rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế; động viên, khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài yên tâm tiếp tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó trên thực địa nhằm khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và luật pháp quốc tế.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; bố trí nguồn tín dụng đối với những lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản, kết hợp giữa phát triển kinh tế với khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh hải, ngư trường truyền thống của Việt Nam; nghiên cứu điều chỉnh về cơ chế cho vay tín dụng đối với ngư dân; áp dụng các biện pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn trong quan hệ giao dịch, vay vốn giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng xác định thiệt hại thực tế của các doanh nghiệp do hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương để hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc bồi thường theo thủ tục rút gọn hoặc ứng trước tiền bồi thường đối với những trường hợp đã xác định rõ phạm vi, đối tượng bảo hiểm; thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và ổn định đời sống của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng chính sách; hướng dẫn thủ tục bảo đảm nhanh gọn để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm tại các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua; triển khai phương án cung ứng lao động trong trường hợp bị thiếu hụt, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các chuyên gia và người lao động có tay nghề phù hợp làm việc tại các dự án đầu tư nước ngoài đang triển khai tại Việt Nam.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng thống nhất ban hành Nghị định về một số chính sách mang tính đột phá, tạo cơ sở thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, toàn diện, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ thông qua một số chính sách như chủ tàu, doanh nghiệp, hợp tác xã được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng tàu công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ, đóng tàu làm dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ.

Ngân hàng Nhà nước điều hành mức lãi suất cho vay đối với hoạt động này không quá 5%/năm, trong đó chủ tàu, doanh nghiệp, hợp tác xã trả với mức lãi suất tối đa 3%, phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thời hạn được vay là 11 năm, trong đó 1 năm ân hạn không tính lãi suất.

Về bảo hiểm, đối với thân tàu, Nhà nước hỗ trợ 70% phí bảo hiểm; chủ tàu, doanh nghiệp, hợp tác xã sở hữu tàu trả 30% phí cho cơ quan bảo hiểm. Bảo hiểm về người được Nhà nước hỗ trợ 100% phí...

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *