Bộ trưởng Thăng: Trong 3 nước bị tố hối lộ, chỉ Việt Nam xử lý cán bộ

Fica - Phủ nhận thông tin Nhật Bản lần thứ 2 dừng cấp vốn vay ODA cho Việt Nam vì nghi án nhận hối lộ xảy ra với ngành đường sắt, nhưng Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng thông tin mới nhất về việc xử lý cán bộ có khả năng “dính chàm” trong vụ này.

Sáng 4/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lọt trong vòng vây của báo chí…

Báo chí Nhật cũng như thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản đã thể hiện việc Nhật dừng cấp ODA cho Việt Nam để chờ điều tra nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam 16 tỷ đồng trong khi các cơ quan chức năng trong nước vẫn chưa xác nhận việc này. Là người trực tiếp liên quan, Bộ trưởng có thể cho biết thông tin chính thức về việc này?

Tôi không biết, chưa có thông tin về việc này, đã thấy ai nói dừng đâu.

Phía Nhật nói chỉ cấp ODA đối với các dự án mới dựa trên cơ sở phía Việt Nam cam kết thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến. Động thái của chúng ta vừa qua được đánh giá là khá mạnh mẽ, cương quyết nhưng chưa đủ thỏa mãn để lấy lại lòng tin của các đối tác nước ngoài?

Vụ việc đang điều tra, bắt người rồi nhưng còn phải có kết luận, đưa ra tòa xét xử, đồng thời quan trọng là các giải pháp sắp tới làm sao để không tái diễn những vụ việc cũ và không xuất hiện cái mới. Hai bên hiện phối hợp chặt chẽ, cả Đại sứ quán Nhật, JICA và như cuộc làm việc vừa rồi là Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ Ngoại giao Nhật cũng sang Việt Nam chỉ để bàn về việc đó.
 
Bộ trưởng GTVT trong vòng vây của báo chí (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng GTVT trong vòng vây của báo chí (ảnh: Việt Hưng).
 

Trong cuộc họp vừa qua, Bộ trưởng có nói đến việc tạm giữ ông Nguyễn Hữu Bằng – nguyên Chủ tịch kiêm Tổng GĐ TCty Đường sắt Việt Nam?

Cơ quan điều tra khi gọi ông này lên là tạm giữ để làm việc, tạm giữ hành chính thôi. Còn Phó Tổng Giám đốc phụ trách BQL các dự án đường sắt của TCty (Ngô Anh Tảo - PV) thì gọi lên làm việc thường xuyên. Hiện giờ cơ quan điều tra cũng hỏi xong ông này rồi, chỉ là gọi làm việc bình thường thôi.

Dù gì, dòng vốn cho việc thực thiện dự án của JTC cũng đã bị ngưng. Dư luận quan tâm việc này có ảnh hưởng gì đến thực hiện dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội?

Sự việc chỉ ở dự án tư vấn thôi. Hiện nay 2 bên vẫn phụ thuộc vào kết quả xử lý và các biện pháp đề phòng sắp tới. Hiện nay 2 bên làm rất tốt, cả Đại sứ, sứ quán Nhật Bản và phía JICA đều đánh giá triển vọng rất tốt. Về vấn đề này, trong 3 nước vi phạm, chỉ có Việt Nam là tích cực hợp tác và thực hiện điều tra, xử lý tốt nhất.

Thực ra dự án đường sắt đô thị số 1 mới bắt đầu thôi chứ chưa có gì lớn, có tạm dừng một thời gian nhưng chưa đấu thầu nên chưa ảnh hưởng gì. Hiện dự án vẫn triển khai. Tôi nói rồi, ta vẫn phải nghĩ về hướng tốt, tích cực.

Nghi án JTC nổ ra, Bộ đã yêu cầu rà soát các dự án đơn vị này thực hiện. Qua 2 tháng thanh kiểm tra, đến giờ có phát hiện các sai phạm nào khác không?

Qua rà soát vừa rồi, mới chỉ có JTC và người ta làm các dự án đường sắt không thôi, không có làm các lĩnh vực khác. Hiện nay thanh tra vẫn đang làm và chưa có kết luận cuối cùng. Khi có kết luận chúng tôi sẽ công khai thôi, công khai đầy đủ.

Nếu đúng là phía Nhật cắt ODA dành cho Việt Nam thì các dự án giao thông của Bộ bị ảnh hưởng thế nào?

Tại sao đi đặt vấn đề tiêu cực như vậy. Phải đặt vấn đề là xử lý nghiêm vụ việc xảy ra và phải quản lý chặt ODA trong thời gian sắp tới chứ.

Nhưng rõ ràng đã “một lần mất tín” trong vụ Đại lộ Đông - Tây cũng liên quan đến vốn ODA Nhật dành cho các dự án của ngành giao thông rồi. Khi đó, phía Nhật cũng đã dừng rót ODA cho Việt Nam một thời gian. Nay lại tiếp tục một vụ tiêu cực của ngành đường sắt như này, cần có kịch bản đổi phó với tình huống xấu nhất chứ, thưa Bộ trưởng?

Đã có rất nhiều giải pháp, từ việc lập UB phòng chống tham nhũng của quốc gia, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật… đến Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo rồi, phải làm sao không để cán bộ không thể tham nhũng xảy ra, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng... Cụ thể các văn bản đó, các cơ quan ban ngành sửa đổi lại công khai minh bạch mọi giải pháp như vậy.

Nhưng phải thấy là cần phải có thời gian, phải thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Chính Phủ, của tất cả mọi người, trong đó có sự giám sát của người dân, báo chí. Tình hình sẽ tốt lên và chúng ta hướng tới sự tốt lên.

Trong các đối tác ODA, ngoài Nhật ra thì còn World Bank, ADB… Bộ có triển khai các biện pháp phòng ngừa tránh trường hợp “ngã ngửa” vì thông tin tố cáo tiêu cực từ bên ngoài như 2 vụ đại lộ Đông – Tây, đường sắt đô thị số 1 đã và đang nổ ra?

Bộ đã chỉ đạo thanh tra các dự án mà có JTC, không chỉ là đường sắt mà thanh tra tất cả các dự án ODA mà ngành đường sắt đang làm. Đồng thời, Bộ cũng thanh tra tất cả các dự án ODA của ngành GTVT, tự kiểm tra để phát hiện và xem xét lại, chỗ nào mà cần chấn chỉnh, có thể sơ hở về quản lý thì phải chấn chỉnh.

Nghi án nhận hối lộ lần này đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lý của cấp Bộ đối với ngành đường sắt. Bộ GTVT có xem xét vai trò của người phụ trách trực tiếp lĩnh vực này, ở vị trí Thứ trưởng?

Người phụ trách đã làm đúng, phê duyệt đúng còn lại là ở cấp dưới triển khai có khuyết điểm, khuyết điểm đâu xử lý đấy, chứ không lẽ ai có tên ký trong quá trình chuẩn bị dự án cũng xử lý hết cả. Thứ trưởng phụ trách là người ký duyệt các dự án, chủ trương. Chủ trương thì không sai, chỉ là do phía dưới sai trong triển khai thực hiện cụ thể. Nếu quyết định chủ trương sai thì mới xử lý người ra chủ trương.

Hiện tại, Bộ GTVT đã cho kiểm điểm trách nhiệm của tất cả các cán bộ liên quan Trong thẩm quyền của mình, Bộ chỉ làm đến thế thôi. Còn ai bị sao thì đã bị rồi.

Như thế có phải thiếu trách nhiệm không khi là người quản lý trực tiếp lĩnh vực mà để hoàn toàn bị che mắt, không biết được lãnh đạo cả ngành dưới quyền làm bậy?

Làm sao mà biết được. Họ làm sai, tiêu cực, bàn bạc ở đâu, làm sao biết được việc đó.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *