Không tạo thêm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư “ngoại”

FICA - Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thông thường, tránh tạo thêm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư.

Trình bày tờ trình về dự án Luật đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng quá rộng, bao gồm tất cả các dự án đầu tư nước ngoài và nhiều dự án đầu tư trong nước, trong đó có cả các dự án chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ thông thường và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Trong khi pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về các điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động này thì việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án nêu trên vừa tạo thêm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, vừa dẫn đến trùng lặp trong hoạt động quản lý của nhà nước.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Vinh, dự án luật bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư, trừ dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Quy định này được áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. 

“Việc áp dụng thủ tục thông báo đầu tư không tạo thêm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, vì thực chất quy định này chỉ nhằm đổi mới phương thức quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài từ việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang cơ chế nhà đầu tư thông báo hoạt động đầu tư, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình và cơ quan quản lý thực hiện “hậu kiểm” cũng như xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của pháp luật. Đây cũng căn cứ để ràng buộc, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Việc thực hiện quy định này không trái với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình ra Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Hầu hết các ý kiến đều tán thành với những mục tiêu và quan điểm xây dựng Luật đầu tư (sửa đổi) và cho rằng để Luật đầu tư (sửa đổi) thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, khả năng cạnh tranh dự án Luật cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực thì mới tạo ra sức hấp dẫn, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.

Về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay không có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài  trong khi đó quy định này lại liên quan đến việc phân biệt đối xử với nhà đầu tư ở một số lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế gia nhập thị trường như phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài . Ngoài ra, đề nghị ban soạn thảo rà soát các khái niệm khác để bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, để bảo đảm tính đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các điều ước quốc tế đang đàm phán hiện nay như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do khác để khi các hiệp định này được ký kết có hiệu lực thì không xung đột với các quy định dự án Luật này.

 

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *