Chủ tịch nước: Người tham nhũng thường có nhiều "dây mơ rễ má”

FICA - “Những thông tin tham nhũng chúng tôi không bỏ qua. Nguồn tin ban đầu rất quan trọng, nếu không xác minh biết đâu lại để chìm một vụ lớn. Một người tham nhũng nhưng có "dây mơ rễ má" nhiều, có cả nhóm bảo vệ cho người tham nhũng”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Chiều ngày 2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị số 1 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc với bà con cử tri quận 4. Tại buổi tiếp xúc, thay mặt đoàn, đại biểu Trần Du Lịch đã báo cáo với bà con cử tri về kết quả của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với bà con cử tri quận 4, TPHCM
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với bà con cử tri quận 4, TPHCM

Thu chậm, chi nhanh

Theo ông Trần Du Lịch, đây là kỳ họp kéo dài, nặng nhất trong tất cả các kỳ họp. Các đại biểu đã phải nghiên cứu và cho ý kiến 41 dự án luật, Nghị quyết. Có 18 đạo luật và 11 Nghị quyết đã được kỳ họp Quốc hội lần này thông qua. Những đạo luật, Nghị quyết này mang tính đột phá về thể chế kinh tế, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, đổi mới, có những quy định tương thích với các nước trong khu vực và thế giới.

 

“Chúng ta thay đổi một cách mạnh mẽ để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tháo gỡ mọi rào cản. Đã không cho kinh doanh thì cấm hết, không chỉ tư nhân mà doanh nghiệp nhà nước cũng cấm. Cái gì kinh doanh có điều kiện thì cũng nêu rõ. Còn ngoài những cái đó ra thì doanh nghiệp được làm. Rất nhiều điểm mới để chúng ta hội nhập. Với luật mới này, quản lý có khó một chút nhưng dễ cho doanh nghiệp, cho dân”, ông Trần Du Lịch nói.

 

Luật Kinh doanh sửa đổi đã chấn chỉnh tình trạng một doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực chính không lo làm mà đi đầu tư kinh doanh những ngành nghề trái tay như khách sạn, bất động sản… gây thất thoát cho nhà nước khoản tiền lớn. Với luật kinh doanh sửa đổi, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn kinh doanh 4 loại hình chính có liên quan đến dịch vụ công cộng, công nghiệp quốc phòng, hệ thống viễn thông, lưới điện, vệ tinh, khai thác dầu khí; một số ngành nghề cần cho đất nước, cho nền kinh tế nhưng tư nhân không muốn làm thì nhà nước phải làm. Cái gì tư nhân làm thì nhà nước không làm. 

 

Ngoài ra, kỳ họp Quốc hội cũng đã thông qua các đạo luật quan trọng như Luật căn cước, Luật hộ tịch, phê chuẩn một số công ước quốc tế và nhiều văn bản khác…

 

Nói về tình hình kinh tế của đất nước, ông Trần Du Lịch cho biết, năm 2014, dù còn khó khăn nhưng đạt 13/14 chỉ tiêu lớn về kinh tế vĩ mô, những yếu tố vĩ mô, giá cả, giá trị đồng tiền ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như trong 11 tháng quá, có hơn 6.000 doanh nghiệp thua lỗ do nền kinh tế trì trệ. Doanh nghiệp còn khó khăn, chống đỡ để tồn tại và phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sinh viên ra trường thất nghiệp. Nợ xấu ngân hàng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn là bài toán phải giải, lãi suất trung hạn còn cao. Nguy cơ về nợ công rất lớn.

 

“Nền kinh tế tuy hồi phục tốt nhưng sức cạnh tranh quá thấp, thấp hơn Singapore 15 lần. Tăng lương nhanh hơn tăng năng suất, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chi thường xuyên ngày càng tăng, chi đầu tư không kịp. Thu chậm, chi nhanh. Đó là bài toán bất cập mà Quốc hội nêu ra và giải quyết trong kỳ họp tới”, đại biểu Trần Du Lịch nói. 

Đại biểu Trần Du Lịch: T
Đại biểu Trần Du Lịch: "Tăng lương nhanh hơn tăng năng suất, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước"

Suy nghĩ lại chính sách sử dụng nhân tài

Góp ý kiến tại buổi tiếp cử tri, bà Vũ Thị Ngọc Mai bày tỏ sự tâm đắc lẫn ngưỡng mộ đối với các nhà khoa học “không bằng cấp” nhưng lại có những phát minh hết sức thiết thực và giá trị. Bà Mai kể về việc các nông dân Việt Nam có thể chế tạo máy bay trực thăng, tàu ngầm mini, xe bọc thép… nhưng không được cơ quan chức năng khuyến khích.

 

“Sao không ủng hộ mà ngăn cấm họ? Cấp cho họ cái bằng khen rồi khuyên họ đừng nghiên cứu nữa? Làm như thế rõ ràng là quan liêu, thờ ơ. Ở Việt Nam, người làm được việc thì không công nhận, người chưa làm được thì được công nhận. Giáo sư, tiến sĩ thì không có bằng sáng chế. Hiền tài Việt Nam ở nước ngoài thì không về. Trong khi những người có sáng chế khoa học, trong nước không trọng dụng thì lại được nước ngoài vinh danh. Tôi nghĩ cần phải suy nghĩ lại chính sách sử dụng nhân tài của chúng ta rồi”, bà Mai nói.

 

Cử tri Vũ Hoàng Linh hoan nghênh việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ). “Nếu không quyết liệt, tham nhũng sẽ thành quốc nạn. Tôi kiến nghị thu hồi triệt để tài sản của các quan tham dù tài sản đó đã chuyển hoá bất cứ hình thức nào, tránh nể nang. Tăng số tiền phạt, nếu không thì phải chuyển qua hình sự, phạt tù”, ông Linh đề xuất.

 

Cử tri Nguyễn Minh Lộc bày tỏ thắc mắc không hiểu vì sao cán bộ chức càng cao thì tài sản càng lớn. “Đừng sợ diệt chuột làm vỡ bình. Ngăn chặn, triệt tiêu tham nhũng là giải quyết cái gốc của đặc quyền đặc lợi. Nếu không giải quyết cái gốc thì tương lai những vụ như ông Truyền sẽ ra sao”, ông Lộc băn khoăn.

 

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, cử tri Phan Ngọc Long cho rằng đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ chủ chốt. So sánh tỉ lệ phiếu tín nhiệm của từng Bộ trưởng, ông Long mong mỏi, giá như Bộ trưởng nào cũng quyết tâm lo cho dân cho nước thì tình hình kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến nhiều hơn trong nay mai. 

Cử tri bày tỏ băn khoăn về nạn tham nhũng với các đại biểu Quốc hội
Cử tri bày tỏ băn khoăn về nạn tham nhũng với các đại biểu Quốc hội

Trọng dụng nhân tài là chính sách nhất quán của nhà nước

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần lượt giải đáp các thắc mắc của bà con cử tri. Chủ tịch nước khẳng định, trọng dụng nhân tài là chính sách nhất quán của nhà nước.

 

Với việc các nông dân sản xuất tàu ngầm, xe bọc thép, khi nghe báo chí thông tin, Chủ tịch nước chỉ đạo các bộ phận liên quan đến tận nơi để khảo sát. Nếu sáng chế nào khả thi thì được hỗ trợ kinh phí để phát triển. “Những sáng kiến của anh em, chúng tôi mới nghe thôi cũng đã rất mừng. Bỏ tiền ra mua tàu ngầm, trực thăng, sao mà không xót. Nếu mà chúng ta làm được thì chúng tôi cho làm dự án, xuất tiền hỗ trợ ngay. Nhà nước không phủ định mà luôn phát huy tối đa sáng kiến của công dân”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói. 

 

Từ vấn đề “trọng dụng nhân tài”, Chủ tịch nước cũng nói về nền giáo dục của đất nước. Theo Chủ tịch nước, các nước phát triển có nền giáo dục tuyệt vời, chứ không phải nhờ vào tài nguyên thiên nhiên phong phú. Giáo dục là chìa khoá thành công của họ. Dân mình hiếu học, đất nước có nền văn hiến lâu đời. Trí tuệ của Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, cải cách giáo dục là việc hệ trọng nên không thể giải quyết trong một sớm chiều.

 

Trước các ý kiến của cử tri về tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Nghị quyết Đảng, luật, văn bản hướng dẫn chống tham nhũng đã có nhưng thực tế trong Đảng và trong dân cũng không hài lòng về kết quả chống tham nhũng trong thời gian qua.

 

Chủ tịch nước cho rằng, việc phát giác, đấu tranh chống tham nhũng không cần phải từ Trung ương mà có thể đưa ra trong các cuộc họp tổ, khu phố. Khi phát hiện thông tin tham nhũng thì các cơ quan chức năng, chính quyền vào cuộc. Còn các quan chức cấp cao tham nhũng mà báo chí nêu thì tuần tự trong thời gian sẽ có kết quả và công khai trên báo chí.

 

“Những thông tin tham nhũng chúng tôi không bỏ qua. Nguồn tin ban đầu dù nhỏ nhưng rất quan trọng. Nếu không xử lý thì có thể để chìm một vụ tham nhũng lớn. Một người tham những nhưng có "dây mơ rễ má", có nhóm bảo vệ, nên khó phát hiện, xử lý. Quốc đảo Singapore có hơn 3 triệu dân mà sạch không chỉ trong không khí, sạch cái ghế ngồi mà cả sạch trong tâm hồn. Còn ta đất nước có ngàn năm văn hiến chẳng lẽ như thế này! Vì vậy bà con góp sức vào cùng chống tham nhũng chứ để thế này thì kinh tế thiệt hại, lòng dân mất đi!”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trăn trở.

 

Công Quang

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *