TPP và vấn đề “tự do lưu chuyển thông tin trên Internet”

FICA - Mặc dù thừa nhận các nguyên tắc cơ bản về tự do lưu chuyển thông tin trên Internet nhằm hình thành thương mại điện tử, song tất cả các quốc gia đàm phán TPP cũng như Việt Nam, EU đều thừa nhận các ngoại lệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại phiên họp báo (ảnh:VGP)

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương  (TPP) cũng như đàm phán Thương mại tự do với EU, nội dung đàm phán đều chương thương mại điện tử.

Theo đó, một nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử là tự do lưu chuyển thông tin trên Internet. Nếu không có tự do lưu chuyển thông tin thì không thể có thương mại điện tử. Nguyên tắc thứ hai là không yêu cầu bên khác đặt máy chủ trên lãnh thổ nước mình mới được làm thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trong lúc thừa nhận các nguyên tắc cơ bản đó, tất cả các quốc gia đàm phán TPP cũng như Việt Nam, EU đều thừa nhận các ngoại lệ.

Ngoại lệ đầu tiên là vấn đề an ninh quốc gia, một quốc gia có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào, kể cả hạn chế thương mại điện tử, nếu như thực hiện vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ hai, các quốc gia liên quan có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với các quy định của hiệp định nếu như các biện pháp đó đảm bảo mục tiêu công cộng chính đáng. “Chúng ta có nhiều mục tiêu công cộng chính đáng như: An toàn, trật tự xã hội” – Thứ trưởng Khánh lưu ý.

Thứ ba, các quốc gia đều có quyền kiểm soát thông tin trên mạng để đảm bảo thuần phong mỹ tục, đảm bảo quy định pháp luật quốc gia về quyền riêng tư…

Như vậy trong tương lai, Việt Nam hoan nghênh tất cả các nhà cung cấp thương mại điện tử trên Internet nhưng Việt Nam có quyền thực hiện pháp luật quốc gia về đảm bảo quyền riêng tư với các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả khi các nhà các nhà cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ hay từ bên ngoài Việt Nam, bất kể nhà cung cấp nào…

Tóm lại, trong đàm phán có nguyên tắc cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, nhưng các quốc gia có thể dùng biện pháp của mình để thực hiện mục tiêu công cộng chính đáng, trong đó có mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư theo pháp luật của nước mình – Thứ trưởng cho hay.

Thông tin thêm về Hiệp định quan trọng TPP, Thứ trưởng Trần Khánh cho biết, trong thời gian qua, đàm phán  TPP đã trải qua hơn 20 phiên chính thức, nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, giữa các nhóm nhỏ. Đặc biệt đã trải qua 5 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng, gần đây nhất đàm phán Bộ trưởng được tổ chức tại Australia. Ngay sau đó, các lãnh đạo đã gặp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Bắc Kinh thống nhất quyết tâm sớm hoàn thành quá trình đàm phán.

Lãnh đạo các quốc gia không đưa ra thời hạn cụ thể, nhưng tinh thần thể hiện trong tuyên bố chung là quyết tâm và khẩn trương giao nhiệm vụ cụ thể hướng đến kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất có thể.

Đêm nay (1/12), đoàn Việt Nam sẽ lên đường tham dự đàm phán cấp trưởng đoàn tại Washington DC, tập trung vào một số nội dung tương đối phức tạp là: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), môi trường, mở cửa thị trường hàng hóa, đặc biệt là đàm phán về quy tắc xuất xứ.

Tiếp theo đó, hiện nay thời gian chưa xác định cụ thể, nhưng nhiều khả năng trong tháng Giêng, sẽ có vòng đàm phán nữa, bàn tiếp các vấn đề khó như sở hữu trí tuệ, đưa lên các Bộ trưởng một phương án cả gói để kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *