Con dấu đang dần ra khỏi đời sống: Vừa mừng, vừa lo

Con dấu, được đóng dấu... Mỗi người Việt trưởng thành, không ít nhất một lần run tay khi nhận được một văn bản được đóng một con dấu đỏ chói ở dưới.

Con dấu và được đóng dấu tồn tại chung với mỗi người và đã rất nhiều khi, con dấu từ một nơi nào đó, quyết định cả đời sống chúng ta. Nhiều lúc, chúng ta sống, tồn tại bởi những con dấu... 

 


Tại sao vậy? Bởi nó là quy định pháp luật. Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu ghi rõ: Điều 1: Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh Nhà nước. 

Nhưng sắp tới, một phần đời sống chúng ta sẽ không cần con dấu nữa. Ngày 26-11, sau khi 85,51% Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các doanh nghiệp được quyết định sử dụng hoặc không sử dụng con dấu. Nếu sử dụng, doanh nghiệp được tự quyết định hình thức, nội dung con dấu. Nghĩa là với mọi quan hệ mua, bán, sang nhượng, thanh toán với các doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn không cần có mặt của con dấu, cái thứ gắn bó thân thiết với chúng ta bao nhiêu năm. Dĩ nhiên là quá hay, quá mới lạ... nhưng cũng quá sợ. Không có con dấu, lấy gì đảm bảo tính pháp lý của văn bản? Chắc chắn là chữ ký. Nhưng văn bản có dấu còn làm giả được, còn tranh cãi đôi chối được thì một chữ ký liệu có đảm bảo rằng văn bản hợp pháp, nội dung văn bản được thực hiện không?

Nếu văn bản có mỗi chữ ký của cái ông đại diện doanh nghiệp bán cho tôi cái căn hộ thì có thể tin được không, khi mà không ai đảm bảo rằng sau đó chỉ vài ngày, ông ta bị cách chức và cá nhân tôi không thể xác minh được là trước khi ký văn bản của tôi một tiếng đồng hồ, ông ấy đã bị cách chức hay chưa, trong khi, để ông ấy ký, tôi phải nộp tiền cho doanh nghiệp. Liệu tôi có bị những thủ tục không dấu áp tải đi vào những mê trận tố tụng dân sự không có hồi kết không?

Chúng tôi ủng hộ những cải cách hành chính để cởi trói doanh nghiệp, thậm chí chúng tôi còn mong cải cách hành chính, loại bỏ những phiền phức không cần thiết trong hành chính công. Nhưng vấn đề cần thiết là phải cung cấp cho chúng tôi, với các doanh nghiệp là cộng tác, là người tiêu dùng những chỉ dấu để đảm bảo tính pháp lý của văn bản, công cụ để kiểm tra tính pháp lý ấy. Những công cụ kiểm tra phải dễ dàng, không đánh đố kiểu bắt một người H’Mông ở Lai Châu về một văn phòng ở Hà Nội kiểm tra một hợp đồng bán vài tạ ngô. Và chúng tôi cũng không mong thứ dịch vụ chứng thực chữ ký lại lan tràn với những... con dấu chứng thực mới. 

Mới có Luật, biết rằng sẽ có những văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Thời gian có hiệu lực của Luật Doanh nghiệp là 1-7-2015. Vẫn còn 8 tháng nữa cho những giải pháp, còn 8 tháng nữa cho những biện pháp ngăn chặn những tội phạm làm giả giấy tờ có giá trị pháp lý. Chúng tôi đang chờ, hy vọng những lo lắng sẽ được giải tỏa.

Theo Từ Dân

ANTĐ

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *