Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Rủi ro lớn nhất với Việt Nam là gì?

Điều nhóm nghiên cứu HSC lo ngại và cho rằng rủi ro lớn đối với Việt Nam chính là rủi ro gián tiếp, đặc biệt là nếu tranh chấp thương mại leo thang và kéo dài trên 6-9 tháng.

HSC cho rằng, tác động chiến tranh thương mại Trung -Mỹ tới Việt Nam không lớn 

Tác động trực tiếp không lớn

Báo cáo vừa công bố của nhóm nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC) cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của Việt Nam. Bởi xuất khẩu của hàng hóa trung gian của Việt Nam sang Trung Quốc (để sản xuất và xuất sang Mỹ) là không lớn, chỉ khoảng 1,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa cơ bản sang Trung Quốc chẳng hạn như hoa quả, rau và gạo; và hoạt động xuất khẩu những mặt hàng này chịu nhiều ảnh hưởng từ nhu cầu nội địa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều báo cáo lo ngại và cho rằng rủi ro lớn đối với Việt Nam chính là rủi ro gián tiếp, đặc biệt là nếu tranh chấp thương mại leo thang và kéo dài trên 6-9 tháng.

Cụ thể, những rủi ro gián tiếp đối với nền kinh tế Việt nam xuất phát từ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể, hai là Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tỷ lệ đóng góp hàng hóa trung gian nhập từ Trung Quốc cao (đây là rủi ro lớn nhất).

Rủi ro thứ ba báo cáo đề cập tới đó là xuất khẩu sang các nền kinh tế trong khu vực chịu tổn thương từ tranh chấp thương mại chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan kém đi. Và rủi ro tỷ giá tăng nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên còn đồng CNY tiếp tục yếu đi. Ngoài ra còn những rủi ro đối với FDI, FII và lạm phát.

Trái lại, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi nếu một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài vì những nhà sản xuất khu vực Bắc Á sẽ giảm hơn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và chuyển nhiều hơn sang Việt Nam, HSC nhận định. Tuy nhiên lợi thế này có lẽ phải cần nhiều năm mới thể hiện được ảnh hưởng trên các số liệu kinh tế vĩ mô.

Ngành nào sẽ chịu tác động?

HSC ước tính Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó các mặt hàng chẳng hạn như thiết bị điện và quang học, dệt may, da, giày dép chiếm tỷ trọng lớn.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu giả định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 30%, HSC ước tính xuất khẩu hàng hóa trung gian của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm tương ứng khoảng 1/3, là 400 triệu USD.

Trong kịch bản khả dĩ nhất, nếu giả định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ (505 tỷ USD) giảm khoảng 10% (tương đương giảm 50,5 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc), HSC ước tính xuất khẩu hàng hóa trung gian (linh phụ kiện) của Việt Nam sang Trung Quốc (để sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ) có thể giảm tương ứng khoảng 123,6 triệu USD.

Trong khi đó, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nền nhất - Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là 3 nước xuất khẩu hàng trung gian lớn nhất sang Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất sang Mỹ với giá trị lần lượt là 29,7 tỷ USD; 16,7 tỷ USD và 13,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả theo HSC đó là một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể bị áp thuế nếu có giá trị hàng hóa trung gian từ Trung Quốc lớn.

Theo số liệu của OECD và ước tính của HSC, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ với giá trị hàng hóa trung gian từ Trung Quốc lớn gồm:

Dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 15,28% hàng dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ;

Thiết bị điện tử và điện quang: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 18,82% thiết bị điện tử và điện quang xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ;

Sản phẩm hóa chất và khoáng sản phi kim loại – thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 12,05%;

Máy móc và thiết bị: thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 17,85%;

Gỗ, giấy, sản phẩm từ giấy, in ấn và xuất bản: thành phần xuất xứ Trung Quốc chiếm khoảng 8,81%.

Trên thực tế, các sản phẩm thép gồm thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam cũng đã chịu áp thuế vì nguyên nhân trên. Mỹ đã đánh thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với các sản phẩm thép của Việt Nam bị nghi ngờ có giá trị thành phần từ Trung Quốc lớn trong tháng 5 năm nay.

"Nếu chính sách này được áp dụng với nhiều hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam, mức độ ảnh hưởng có thể lên tới 70% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ do đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2017". HSC nhận định và cho rằng đây là rủi ro ảnh hưởng gián tiếp lớn nhất đến Việt Nam từ cuộc chiến thương mại toàn cầu kéo dài.

Nguyễn Mạnh 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *