Thời sự 19/07/2019 17:19

VDSC: Dự báo Việt Nam xuất siêu 2-3 tỷ USD trong năm 2019

Trong tháng 6, cán cân thương mại Việt Nam đạt thặng dư 1,9 tỷ USD, mức cao nhất trong các năm trở lại đây.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết quả này chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu sụt giảm mạnh trong tháng 6. Tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 19,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,4 tỷ USD, tăng 8%.

Tính chung nửa đầu năm 2019, cán cân thương mại đạt mức thặng dư 1,7 tỷ USD, thấp hơn mức 3,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trước đó và mức thâm hụt gần 0,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

VDSC lưu ý, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu cho lĩnh vực năng lượng cũng như hàng tiêu dùng giảm so với đầu năm là những yếu tố chính. Bên cạnh đó, tháng 6 thường là tháng thấp điểm của hoạt động sản xuất công nghiệp nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cũng sụt giảm.

 

Chuyên gia VDSC cho rằng, trong năm 2019, cán cân thương mại khả năng cao sẽ tiếp tục thặng dư, quanh mức 2-3 tỷ USD, khi khối doanh nghiệp FDI đi vào mùa vụ sản xuất chính.

Cán cân thương mại thặng dư cùng với dòng vốn FDI dồi dào và có triển vọng giải ngân nhanh, tích cực là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tỷ giá. Trong vòng 1 tháng qua, tỷ giá giao dịch ngân hàng USD/VND đã liên tục sụt giảm và hiện đang ở mức 23.200, thấp hơn đầu năm và tương đương với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, tỷ giá tự do cũng giảm 0,3% so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tăng 1% so đầu năm. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, VDSC ghi nhận Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chủ động giảm nhẹ tỷ giá trung tâm cũng như tỷ giá bán.

Trên thị trường ngoại hối thế giới, việc đồng nhân dân tệ (CNY) tăng giá so với đồng bạc xanh (USD) hay diễn biến chỉ số US Dollar ổn định trong vùng 96-97 điểm đều là những diễn biến thuận lợi cho tiền đồng (VND). VDSC cho rằng, có thể tạm yên tâm đối với rủi ro tỷ giá trong năm 2019, mức giảm giá tối đa của tiền đồng so với bạc xanh ở mức 2%.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chỉ có một nửa niềm vui, cán cân thương mại thặng dư, khi tốc độ tăng trưởng thương mại của cả nước chỉ đạt 8,7% so cùng kỳ, thấp hơn mức 12% trong nửa đầu năm.

VDSC cho biết, đây cũng là xu hướng chung của các nước Châu Á – Thái Bình Dương khi tăng trưởng thương mại hình thành xu hướng giảm kể từ cuối năm 2017 và giảm xuống dưới mức trung bình trong các năm trở lại đây.

Ví dụ tiêu biểu gắn với nền kinh tế Singapore, một trong những trung tâm thương mại lớn trong khu vực. Hoạt động xuất khẩu, ngoại trừ dầu thô, của nước này giảm 16% so cùng kỳ trong tháng 5 và dự báo tiếp tăng trưởng âm trong các tháng tiếp. Các mặt hàng điện tử và phi điện tử đều giảm.

Đây là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, Trung Quốc, chao đảo với tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,2% so cùng kỳ trong quý 2/2019. Mặc dù vẫn cao hơn mức kỳ vọng của giới phân tích nhưng đây là kết quả tăng trưởng thấp nhất của quốc gia này trong các thập kỷ gần đây.

VDSC cho rằng toàn cầu hóa đang chuyển mình sang hình thái mới và với các hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết gần đây, Việt Nam vẫn có nguyên cơ hội lách qua khe cửa hẹp và cất cánh. “Điểm chính vẫn phụ thuộc vào bản thân chúng ta liệu có nhìn nhận đúng, tận dụng cơ hội hay sẽ trở thành điểm chung chuyển hàng hóa cho các nước” - báo cáo của VDSC nhìn nhận.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *