Thời sự 01/07/2014 16:07

VAMC khó bán nợ cho nước ngoài do vướng luật

FICA - VAMC dù rất muốn bán nợ cho các tổ chức nước ngoài nhằm khơi thông dòng vốn, nhưng vì vướng hành lang pháp lý, cũng không thể đẩy nhanh được đầu ra.

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới đây cho biết, 6 tháng đầu năm nay, VAMC đã mua được 11.414 tỷ nợ gốc.

Tính từ khi mua nợ từ ngày 11/10/2013 đến nay, tổng nợ xấu đã mua của các tổ chức tín dụng 50.721 tỷ đồng.

Đồng thời, VAMC cũng đã bán và thu hồi được nợ là 996 tỷ đồng. Bên cạnh việc thu hồi nợ, VAMC đã tổ chức cơ cấu các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Kết quả đến nay, đã cơ cấu được cho 112 khách hàng với số tiền là 9.071 tỷ đồng.

Đánh giá về hoạt động của VAMC, trong bản tin cập nhật mới công bố, công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, VAMC dù rất muốn bán nợ cho các tổ chức nước ngoài nhằm khơi thông dòng vốn, nhưng vì vướng hành lang pháp lý, cũng không thể đẩy nhanh được đầu ra. 

Theo VCBS, trong tuần trước, Quốc hội thông qua Luật Phá sản (sửa đổi) và loại bỏ một số quy định dự kiến bổ sung vào Luật Kinh doanh bất động sản. Những luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015.

Tuy nhiên, các quy định được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong hai văn bản luật này đã không được thông qua khiến cho cơ hội mua nợ của các nhà đầu tư nước ngoài của VAMC đã gần như khép lại.

Cụ thể: Luật Phá sản (sửa đổi) vẫn giữ nguyên tắc tiến hành hội nghị chủ nợ, theo đó các chủ nợ đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều này gây khó khăn cho việc quyết định số phận của con nợ khi thật khó để tìm tiếng nói chung và sự đồng thuận hoàn toàn đối với tất cả các chủ nợ. 

Trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng và 
Chính phủ dự định cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất từ chủ đầu tư các dự án bất động sản xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê và cho thuê mua.

Tuy nhiên, khi đưa ra thẩm định, quy định trên không phù hợp với Luật Đất đai vì theo luật này, tổ chức, cá nhân người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn Việt kiều chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất....

Do vậy, nếu muốn tham gia thị trường bất động sản, nhà đầu tư ngoại phải liên doanh với doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam để các tổ chức, cá nhân người Việt đứng ra mua lại các khoản nợ đó. 

Ngoài ra, VCBS cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, vấn đề giải quyết nợ xấu chưa có tiến triển mang tính đột phá. 

Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trong tổng dư nợ tín dụng đã liên tiếp tăng trong những tháng qua.

Cụ thể, tháng 1/2014, nợ xấu tăng trở lại và lên mức 3,74%, tháng 2 lên 3,86%, tháng 3 lên 3,93%. Và theo số liệu cập nhật mới nhất và gần nhất đến tháng 4/2014, tỷ lệ này đã chính thức vượt mốc 4%, để chốt ở mức 4,03%.

Như vậy, số liệu qua các tháng cho thấy, nợ xấu đã tăng nhanh trở lại, bất chấp nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống thể hiện rõ trong hơn một năm qua, đặc biệt là cả sau khi có giải pháp can thiệp của Công ty quản lý tài sản VAMC. 

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *