Thời sự 28/02/2020 08:20

TS. Nguyễn Đình Cung: "Tôi bị chửi vì đề nghị cắt bỏ điều kiện kinh doanh"

"Trước đây, khi tôi đề xuất phải cắt 3/4 điều kiện kinh doanh thì có rất nhiều người chất vấn tôi, có người hỏi lấy căn cứ vào đâu, không ít người chửi tôi vì việc cắt bỏ này", ông Cung nói.

Trao đổi với báo chí về mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) bày bỏ nhiều tiếc nuối vì mục tiêu, phương pháp thực hiện đã bị thay đổi.

TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi bị chửi vì đề nghị cắt bỏ điều kiện kinh doanh - 1

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Dân Trí xin trích đăng trao đổi của phóng viên với Tiến sĩ Cung để rộng đường dư luận về vấn đề này.

Thưa ông, qua nhiều năm thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, đến giờ phút này ông có đánh giá gì về hiệu quả, thực chất của quá trình này?

- Trong 20 năm vừa qua, khi nói đến cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2016 đến nay, nhấn mạnh tập trung vào cắt giảm, cắt số lượng kinh doanh, hạn chế, thu hẹp thẩm quyền các Bộ trong ban hành điều kiện kinh doanh.

Năm 2017, chúng tôi kiến nghị trong số 4.000 điều kiện kinh doanh thì cần cắt bỏ 3/4 số đó. Phải khẳng định là “cắt bỏ” chứ không phải "cắt giảm, đơn giản hoá" đâu.

Nhưng sau kiến nghị cuối cùng lên Chính phủ thì lại là cắt ít nhất 50%. Sau này văn bản ra, cắt giảm, đơn giản hoá 50%, như vậy nhiệm vụ giảm rất mờ, mục tiêu cắt bỏ sang cắt giảm và đơn giản hoá rất nhẹ nhàng.

Chúng ta cần phải xác định rõ là điều kiện kinh doanh về bản chất là gì? Về phía Nhà nước là công cụ quản lý, còn về phía doanh nghiệp thì là rào cản đối với hoạt động doanh nghiệp, nó làm cho chi phí gia nhập thị trường cao hơn, tiếp cận thị trường khó khăn hơn. Chính vì vậy, hoạt đông của thị trường, giảm thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2018, các Bộ rất rầm rộ trong việc cắt giảm, đơn giản hoá theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta nhìn thấy hàng loạt Nghị định mới ra đời. Nhưng cho đến nay thực chất nó thế nào thì chưa ai trả lời được, tôi cho rằng không thực chất bao nhiêu cả. 

Theo ông, cụm từ "đơn giản hoá" được đưa vào có thể xem như làm giảm nhẹ ý định, mục tiêu cải cách của cơ quan Bộ, ngành, làm sai lệch mục tiêu của Chính phủ?

- Theo tôi, cụm từ “đơn giản hoá” nghĩa là gì? Đơn giản hoá nhiều khi thay tên, bỏ hồ sơ, bỏ nội dung trong hồ sơ cũng là đơn giản hoá. Nội dung đưa ra cắt giảm 50% là làm nhẹ đi, mờ đi cải cách.

 Chúng tôi kiến nghị cắt giảm, bãi bỏ chứ không đơn giản hoá. Đơn giản hoá nghĩa là người ta chỉ bỏ 1-2 cái và sửa đổi hàng nghìn cái đã được yêu cầu. Đơn giản hoá là vẫn tồn tại, hình thức tương tự cái trước.

Với "đơn giản hoá" thì bỏ một từ, một đòng trong điều kiện kinh doanh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, không có đánh giá thực chất đến môi trường cũng như hiệu ứng tích cực đến doanh nghiệp.

Bởi vì mục tiêu quá mờ, chúng ta không đánh giá được đơn giản hoá nghĩa là gì, đơn giản hoá thì vẫn tồn tại và có hàng trăm, hàng nghìn cách khác nhau để quản lý không khác gì trước đây. Cải cách kiểu nửa vời đang khiến nguy cơ phục hồi lại các điều kiện. 

Ông có thấy bức xúc hay buồn vì kiểu “chơi chữ” trong chính mục tiêu cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, nhưng lại được giảm nhẹ khi đến tay các đơn vị cấp dưới hay không?

- Khi tôi đề xuất phải cắt bỏ 3/4 số điều kiện kinh doanh hiện có. Có người hỏi ông lấy căn cứ nào để cắt 3/4, không ít người chửi tôi vì về việc cắt bỏ này, cho tôi là cực đoan.

Tôi bảo dựa trên nghiên cứu của mình: Không có căn cứ khoa học để đặt ra ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ 2 là căn cứ hiệu lực của ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nó chỉ là công cụ cho công chức có liên quan lợi dụng trục lợi.

Thứ 3 là tôi dựa trên thông lệ của quốc tế, chúng tôi đi rất nhiều nước họ cải cách, xoá bỏ rất thực chất. Cứ gặp điều kiện cản trở là chặt cái đã.

Điều thứ 4 rất quan trọng vì là công cụ quản lý Nhà nước không có hiệu quả, nên cắt bỏ. Chúng ta phải đồng ý với nhau là không cắt việc quản lý Nhà nước mà cắt công cụ kém hiệu quả. Nếu anh muốn quản lý Nhà nước tốt thì nên nghĩ cách quản lý mới, tốt hơn, đưa vào các Nghị định để có giám sát tốt hơn.

Nếu chúng ta vẫn giữ các giấy phép, điều kiện, vài năm sau sẽ mọc lên nhiều điều kiện mới. Rất khó để chúng ta cải cách. Sự chống đối đang lớn dần vì điều kiện, giấy phép liên quan đến quyền, lợi, lộc nên người ta không muốn tự bỏ.

Khi ấy, ông có nghĩ đến chuyện khuyên những cán bộ Nhà nước phải thay đổi tư duy, nghĩ cách quản hay hơn là cấm làm, cấm sáng tạo hay không?

- Người ta bảo tôi rằng, cắt bỏ điều kiện kinh doanh thì quản lý thế nào? Họ bảo tôi cực đoan, không chú ý đến cái chung. Tôi bảo cắt bỏ là tôi cực kỳ chú ý đến mục tiêu chung, tôi chỉ không chú ý đến mục tiêu riêng của ai đó thôi.

Cắt đi thì mới yêu cầu cán bộ Nhà nước phải đổi mới tư duy, tìm cách thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, thông tin thu thập rất nhanh. 

Hiện nay Việt Nam đã chuyển rất nhiều quản lý sang dịch vụ công trực tuyến như thông quan hải quan, thuế, hay thủ tục hành chính công có Chính phủ điện tử… Nếu không chịu thay đổi sẽ không theo kịp được với hội nhập các nước phát triển, chính chúng ta làm khó, kìm chân chúng ta. Yên phận sẽ sinh ra gánh nặng cho đổi mới, phát triển.

Sẽ có nhiều người bảo vệ cái cũ, chống cái mới và nó làm cho cái mới không đi vào thực chất.

Tôi đã nói là “nếu công cụ ở lại thì người phải ra đi”, công cụ không có hiệu lực thì ta bỏ, vì người thực hiện công cụ kém. 

Ông có thể lấy một ví dụ dễ hiểu về việc cắt bỏ, chuyển sang đơn giản hoá, đang diễn ra chậm trễ và nguy cơ của nó đối với nền kinh tế hiện nay hay không?

- Ví dụ đơn cử là thu phí tự động không dừng trên các đường cao tốc hiện nay. Việc này quá đơn giản nằm trong tầm tay doanh nghiệp, Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu rõ, nhưng có nhiều nơi xin chưa làm, không làm. 

Cắt bỏ điều kiện kinh doanh, những cái cũ, không phù hợp sẽ mất đi quyền lực, mất đi rào cản, thì trường và người dân được nhiều, chỉ có có cán bộ là mất quyền, mất lợi ích.

Sắp tới, không thể tiếp tục con đường cũ, không nên cho phục hồi cái cũ vì yêu cầu quản lý. Tôi cho rằng cắt bỏ vì nó không có hiệu lực vừa làm rào cản đối với đổi mới, phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *