Thời sự 27/02/2020 18:51

Hàng không “đứng-ngồi không yên” vì “mỏ vàng” Hàn Quốc nhiễm dịch

Hàn Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất về tần suất bay và sản lượng khách của các hãng hàng không Việt Nam. Hàn Quốc đã cắt giảm 47% chuyến bay tới Việt Nam, ngược lại Việt Nam cắt giảm 41%.

Sáng nay (27/2), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) họp đánh giá về những ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 đến các lĩnh vực kinh doanh vận tải.

Đối với lĩnh vực hàng không, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay Trung Quốc của các hãng hàng không Việt Nam là khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 26/2/2020, các hãng hàng không Việt Nam đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan, 92% số chuyến bay đến Hồng Kông. Các chuyến bay đến Nhật Bản vẫn giữ 160 chuyến/tuần.

Với Hàn Quốc - thị trường hàng không lớn nhất của Việt Nam, Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin: Tính đến nay, phía Hàn Quốc đã cắt giảm 47% chuyến bay tới Việt Nam, chiều ngược lại Việt Nam cắt giảm 41% chuyến bay tới nước này.  

Hàng không “đứng-ngồi không yên” vì “mỏ vàng” Hàn Quốc nhiễm dịch - 1

Bộ GTVT họp đánh giá về những ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 đến các lĩnh vực kinh doanh vận tải

Nêu ra các kịch bản, Cục trưởng Cục Hàng không cho hay: Trong trường hợp khả quan nhất là dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019.

Trường hợp xấu hơn khi dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc thì tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so 2019 (79,1 triệu khách).

Với kịch bản dịch bệnh hiện nay, ước năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam sẽ sụt giảm hơn 25.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD).

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam, trong đó áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa trong thời gian từ 1/3 - 31/5/2020.

Cơ quan quản lý hàng không cũng đề xuất Bộ GTVT cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác…

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng nói về tác động của Covid-19 tới kinh doanh hàng không 

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng; cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; Xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát kỹ những ảnh hưởng do dịch Covid-19 và đặc biệt lưu ý các đơn vị khi đưa ra các số liệu về ảnh hưởng phải chính xác, không chung chung, không thổi phồng.

“Những đề xuất, kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Bộ thì có thể quyết ngay. Những gì thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành khác, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thì Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị. Khó đến đâu kiến nghị đến đó”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%.

Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 1 cũng giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 01/2020 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Về đường sắt, sản lượng hành khách giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *