Thời sự 19/03/2014 00:00

Ngân hàng Nhà nước chính thức sửa thông tư 02

FICA - Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được hoãn phân loại nợ của một khách hàng vào một nhóm có độ rủi ro cao nhất trong các khoản dư nợ tới ngày 1/1/2015.

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thông tư 09 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 02 năm 2013. Điểm sửa đổi quan trọng nhất là việc lùi thời hạn xếp chung nhóm tất cả các khoản nợ của một khách hàng vào một nhóm có độ rủi ro cao nhất trong các khoản dư nợ.

Thông tư 02 quy định, dựa trên kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN (CIC) cung cấp, toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của một khách hàng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ và xếp vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn.

Điều này nghĩa là, một doanh nghiệp có nhiều khoản nợ tại các ngân hàng khác nhau, nếu 1 khoản nợ tại ngân hàng bất kì bị xếp vào nợ nhóm 5, thì tất cả các khoản nợ tại các ngân hàng khác cũng bị xếp vào nợ nhóm 5.

Thông tư 09 sẽ lùi thời gian thực hiện quy định này từ 1/6/2014 sang ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, trong thời gian chưa áp dụng các tổ chức tín dụng vẫn phải tự phân loại nợ và gửi kết quả cho CIC để tổng hợp và giám sát.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại, nếu áp dụng quy định này, nợ xấu của các ngân hàng có thể gấp 2 hoặc 3.

Một nội dung quan trọng nữa là thông tư 09 cho phép các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tương tự quyết định 780/QĐ-NHNN, kể từ ngày thông tư có hiệu lực tới ngày 1/4/2015.

Tính đến cuối năm 2013, đã có khoảng trên 300 nghìn tỷ đồng nợ đã được cơ cấu lại theo quyết định 780. Ngân hàng Nhà nước trong trong thông báo gần đây cho biết, tỷ lệ nợ xấu tới cuối năm 2013 là 3,63% và nếu tính toán nợ xấu bao gồm cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780, tỷ lệ này sẽ lên tới 9%.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ được thực hiện với điều kiện chặt chẽ hơn khi các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng) phải ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; Kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện 1 lần. Tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không được tiếp tục cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nếu khách hàng không có khả năng trả nợ đúng theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại...

Điểm sửa đổi tiếp theo là các ngân hàng phải thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành.

Thông tư 09 cũng bổ sung, sửa đổi với các khoản nợ vi phạm pháp luật và các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra. Các khoản nợ này được phân loại tối thiểu vào nhóm 3 và tùy theo thời gian quá hạn kể từ ngày ra quyết định thu hồi nợ hoặc kể từ ngày phải thu hồi theo kết luận thanh tra, các khoản nợ này phải được phân loại vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 tương ứng.

Đây đều là các nhóm nợ xấu trong khi trong thực tế, nhiều khoản nợ dù không làm sai quy định cho vay nhưng thanh tra thấy thiếu hồ sơ, mục đích cho vay chưa rõ ràng, quy trình thủ tục không chuẩn hoàn toàn cũng đưa vào khuyến cáo.

Thông tư 09 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2014.

Lam Thanh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *