Thời sự 18/03/2014 15:33

Ngân hàng vắng vẻ trong ngày đầu lãi suất giảm

FICA - Sáng nay 18/3, các ngân hàng đã đồng loạt hạ trần lãi suất huy động xuống 6%/năm, sau khi “nhận lệnh” từ NHNN. Dù chưa có hiện tượng người dân đi rút tiền nhưng không khí giao dịch tại các ngân hàng khá vắng vẻ.

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, các ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giảm lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 

Tuy nhiên, lần điều chỉnh giảm lãi suất lần này được ngân hàng thực hiện đồng đều ở các kỳ hạn, dù theo quy định chỉ cần giảm trần lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng (giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm) và trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm).

 

Theo thông báo của BIDV, kể từ hôm nay 18/3, ngân hàng này áp dụng trần lãi suất tối đa là 5%/năm, 5,5%/năm, 6%/năm, 6,5%/năm, 7,5%/năm, tương ứng cho các kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, 2 tháng, từ 3 đến 5 tháng, từ 6 đến 11 tháng và trên 12 tháng. Đối với lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất huy động. Sau Tết, ACB được xem là một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc giảm lãi suất. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB cho biết: “Tình hình kinh tế khó khăn, đầu ra bị hạn chế nên ngân hàng buộc phải cắt giảm lãi suất huy động”.

Trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm xuống 6%/năm, được xem là một bước giảm khá lớn. Dù chấp hành nghiêm “lệnh” từ NHNN, nhưng không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng trưng bảng lãi suất mới nhất ra trước cửa ngân hàng.

Lý giải về việc lãi suất huy động kỳ hạn vừa và dài “nối gót” giảm theo lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, một nhân viên ngân hàng cho biết: Kỳ hạn 1,2 tháng giảm xuống thì những kỳ hạn khác xuống theo là lẽ đương nhiên. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó, không phải ngân hàng nào cũng chấp nhận huy động với mức lãi suất cao như trước.

Theo ghi nhận của phóng viên, thay vì áp dụng lãi suất ở mức 8,5%/nưm đối với kỳ hạn trên 1 năm như sau Tết, nhiều ngân hàng đã cắt giảm xuống còn khoảng 7,5%/năm - 7,4%/năm.

Đặc biệt, không phải ngân hàng nào cũng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận. Nhân viên phòng giao dịch Vietinbank trên phố Hào Nam (Hà Nội) cho biết, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm được ngân hàng này áp dụng ở mức 7,5%/năm. Đây là mức lãi suất được ngân hàng điều chỉnh giảm cách đây nửa tháng.

Dù lãi suất huy động đang giảm mạnh, nhưng thị trường ngân hàng chưa xuất hiện hiện tượng người dân đua nhau rút tiền để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Bà Hồng (một người dân sống tại Hào Nam, Hà Nội) cho biết: “Những người về hưu như chúng tôi chỉ trông chờ vào lương hưu thì việc lãi suất giảm tác động rất nhiều đến túi tiền. Không phải so sánh đâu xa, chỉ từ sau Tết đến nay, tiền gửi ngân hàng đã giảm hơn 1%/năm với các kỳ hạn dài”.

Trước lo ngại lãi suất giảm mạnh, người dẫn sẽ ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng: “Nếu lãi suất giảm thì khả năng người gửi tiền không gửi vào ngân hàng sẽ tăng lên, lượng tiền huy động có thể giảm xuống. Nhưng theo các điều kiện thị trường, kỳ vọng lạm phát, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ…, chúng ta tin rằng, mức trần lãi suất tiền gửi hiện vẫn khuyến khích gửi tiền vào ngân hàng. Điều này được thể hiện qua số dư tiền gửi gia tăng trong thời gian qua”.

Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cho hay: “Ghi nhận từ thời điểm NHNN công bố giảm trần lãi suất, chúng tôi nhận thấy tình hình tương tự như những lần giảm lãi suất trước đây, hầu hết các khách hàng đều chuyển sang gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn, từ 7 tháng trở lên. Đại bộ phận dân chúng vẫn lựa chọn việc gửi tiền vào ngân hàng là ưu tiên hàng đầu”.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *