Thời sự 18/03/2014 10:44

Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay liệu có "mềm" hơn?

FICA - Trong khi VCBS cho rằng, lãi suất huy động đầu vào giảm có lẽ sẽ ít có tác dụng giảm lãi suất cho vay đầu ra và kích thích các doanh nghiệp thì ACBS lại hoàn nghi: không ai có thể đảm bảo 100% rằng lãi suất cho vay thấp hơn sẽ dẫn đến hoạt động tín dụng tăng nhanh hơn, các ngân hàng tất nhiên thường không hoàn toàn sẵn sàng để cắt giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Các ngân hàng còn phải bảo vệ mức NIM – mức lợi nhuận của mình.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo sẽ giảm lãi suất điều hành từ ngày 18/3/2014. Theo đó, trần lãi suất huy động ngắn hạn giảm từ 7% xuống 6%, lãi suất chiết khấu từ 5% xuống 4,5% và lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống 6,5%. Trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực được ưu tiên (gồm nông nghiệp, phát triển nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao) giảm từ 9% xuống 8%.

Lãi suất huy động bằng USD dành cho khách hàng cá nhân cũng giảm từ 1,25% xuống 1%. Đợt giảm lãi suất gần đây nhất là vào ngày 13/5/2013.

 

Trong báo cáo ngày của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhóm phân tích cho rằng, đây là một động thái của NHNN nhằm bắt kịp thị trường, với một số ngân hàng lớn đã thực hiện giảm lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng trở lại về cuối năm.

Lãi suất huy động bằng tiền đồng tại Vietcombank hiện là 6% đối với kỳ hạn 2 tháng, 7% đối với kỳ hạn 6 tháng, 7,5% đối với kỳ hạn 12 tháng và 8% đối với các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng vào tháng 3 nhưng tính từ đầu năm đến nay vẫn âm. Theo thông tin từ cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của NHNN, tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 13/3 giảm 1,05% so với đầu năm, so với mức giảm 1,66% tính đến ngày 20/2. Như vậy, so với tháng Hai, tín dụng đã bắt đầu tăng dù tốc độ tăng còn chậm. NHNN dự kiến việc giảm lãi suất điều hành và cho vay công bố hôm nay sẽ giúp tín dụng cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 12%-14%

Tại báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), công ty này lại nhận định, lãi suất huy động đầu vào giảm có lẽ sẽ ít có tác dụng giảm lãi suất cho vay đầu ra và kích thích các doanh nghiệp (DN) bởi lẽ, với các DN tốt, đáp ứng đủ yêu cầu của ngân hàng (NH), thì hầu hết được hưởng mức lãi suất khá thấp và hợp lý, ở mức 7-8%/năm.

Ngược lại, với các DN khác, nhu cầu vay vẫn chưa nhiều do việc tiêu thụ đầu ra vẫn còn khó khăn trong bối cảnh sức cầu chỉ phục hồi ở mức vừa phải hoặc có nhu cầu vay nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của NH.

Do đó, vấn đề mấu chốt cho việc đẩy vốn ra nền kinh tế không còn nằm ở lãi suất. Điều này được thể hiện rõ nét qua số liệu thống kê về tăng trưởng tín dụng vẫn âm 1,05% (ytd) tính đến ngày 13/3.

Tuy nhiên, cũng như VCSC, nhóm phân tích của VCBS nhận định, điểm tích cực là, nếu phân tích số liệu theo tháng, tín dụng của 13 ngày đầu tháng 3 đã tăng 0,13% sau hai tháng giảm trước đó. Như vậy, dù mức độ tăng còn thấp nhưng cũng đã cho thấy nỗ lực từ phía ngân hàng cũng như tình hình tăng trưởng đã được cải thiện nhẹ.

VCBS tiếp tục giữ quan điểm rằng, tín dụng sẽ chỉ tăng trưởng thấp vào tháng tới như đã diễn ra trong năm trước và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào cuối Q2.

Báo cáo phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS) lại đặt vấn đề: Suy nghĩ một cách logic, câu hỏi "Có nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay để thu hút thêm tín dụng hay không?" hẳn phải luôn là điều băn khoăn lớn trong tâm trí của các nhà quản trị ngân hàng. Do không ai có thể đảm bảo 100% rằng lãi suất cho vay thấp hơn sẽ dẫn đến hoạt động tín dụng tăng nhanh hơn, các ngân hàng tất nhiên thường không hoàn toàn sẵn sàng để cắt giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Các ngân hàng còn phải bảo vệ mức NIM – mức lợi nhuận của mình.



Theo ý kiến của ACBS, hành động này của NHNN giống như một sự hỗ trợ cho tình hình nan giải của hệ thống ngân hàng hiện tại. Do lãi suất huy động thấp hơn, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất cho vay và tín dụng có cơ hội để tăng tốt hơn. Nếu không (do có thể ở một số ngân hàng, hoạt động tín dụng vẫn ổn định và như vậy họ không cần thiết phải giảm lãi suất cho vay nữa), tỷ lệ NIM có thể vì thế mà cải thiện hơn. Nhìn chung, chính sách này có thể là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động ngân hàng trong tương lai.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *