Đầu tư 21/12/2013 14:20

Vụ tài trợ 10 tỉ USD: Có thể kết tội ông Paul Lê Hùng lừa đảo

FICA - Hành vi làm môi giới, lập hồ sơ của ông Hùng để người khác tin sẽ được hưởng nguồn vốn vay từ gói viện trợ “khủng” do ông “vẽ ra” nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoa hồng, thù lao là có dấu hiệu lừa đảo - Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định.

Sau những nghi ngờ về gói viện trợ nhận đạo 10 tỉ USD mà ông Paul Lê Hùng muốn viện trợ miễn phí cho Việt Nam thì mới đây bản thân ông Việt kiều Mỹ này đã thừa nhận là không có đồng nào và đã từ bỏ hàng loạt chức danh tự xưng trước đó.

Ông Paul Lê Hùng trong một lần đi tìm "đối tác" đầu tư ở Bình Dương

Trả lời trên báo Lao Động, ông Paul Lê Hùng - đại diện của gói tài trợ “khủng” này đã thừa nhận không có tiền, không có văn phòng và đã rút khỏi, không làm đại diện Châu Á – Thái Bình Dương của quỹ nhân đạo quốc tế như ông ta đã từng tự xưng trước đó. Hiện tại ông Hùng khẳng định đã ủy thác cho một tập đoàn ở Hà Nội thực hiện nhưng không cung cấp tên tập đoàn vì lý do “bí mật”.

Liên quan đến thông tin ông Paul Lê Hùng từng bị ông Lê Văn Đăng - Giám đốc Cty CP đầu tư xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (trụ sở tại huyện Tân Phước, Tiền Giang) tố cáo lừa đảo, khi ông Đăng đưa ra bộ hồ sơ gồm nhiều giấy tờ chứng minh tỉnh đang kêu gọi đầu tư và giấy tờ chứng minh hỗ trợ vốn vay của tập đoàn tài chính Hoa Kỳ do ông Paul Lê Hùng làm đại diện tại Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, bộ hồ sơ do ông Paul Lê Hùng làm “đại diện” đang có nguồn vốn “cho không” cực lớn, mỗi năm sẽ giải ngân cho Việt Nam 10 tỉ USD mà không đòi hỏi gì. Ngoài những giấy tờ đóng mộc tiếng nước ngoài có màu đỏ, bộ hồ sơ còn có những tài liệu đóng mộc nổi, do ông Paul Lê Hùng ký, xác thực về tài trợ.

Trước thông tin này, ông Paul Lê Hùng lý giải, chuyện của ông Đăng, tôi không chịu trách nhiệm. Hai cái biên nhận 70.000 USD  không phải chữ ký của tôi. Tôi ký rạch đường dài ở dưới, còn chữ ký trong biên nhận là rạch phía trên. Quá trình đồng hành, ông Đăng tự nguyện hỗ trợ tôi một ít tiền làm lộ phí. Hỗ trợ vài ba lần, mỗi lần một hai triệu gì đó thôi. Xuống Tiền Giang thì hỗ trợ tiếp tiền khách sạn - ông Paul Lê Hùng khẳng định trên báo Lao Động.

Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng VPLS Luật Tín Nghĩa, Đoàn LS. TPHCM xoay quanh những “chiêu” của Việt kiều Mỹ này:

Qua những thông tin về vụ việc của ông Paul Lê Hùng với gói hỗ trợ 10 tỉ USD, Luật sư có thể cho biết ông Lê Hùng có vi phạm pháp luật không khi thực tế trong tay “không có đồng nào” mà lại đi khắp nơi để “quảng bá” hỗ trợ "cho không" 10 tỉ USD?

Nếu ông Paul Lê Hùng đi khắp nơi nói về gói viện trợ 10 tỉ USD trong khi thực tế là “không có đồng nào” thì cũng chưa có gì là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Hùng không chỉ dừng ở việc “nói” mà còn có các động thái như lập các loại hồ sơ, tài liệu “khống” thể hiện có giá trị về gói viện trợ, làm cho các doanh nghiệp tin và chi số tiền lớn cho ông Hùng để được tiếp cận gói viện trợ không tồn tại thì rõ ràng là đã dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Việc ông Paul Lê Hùng đi làm môi giới, làm hồ sơ cho ông Đăng như vậy có phải là tội lừa đảo?

Hành vi lừa đảo là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu chỉ có thủ đoạn gian dối nhưng không có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của ông Hùng đi làm môi giới, hồ sơ để ông Đăng “tin” sẽ được hưởng nguồn vốn vay từ gói viện trợ khủng để ông Hùng thụ hưởng hoa hồng từ nguồn vốn ông Đăng được vay; hoặc hưởng thù lao do ông Đăng trả. Thực tế nếu gói viện trợ là “không có thật”, là “ảo”, là “bánh vẽ” do ông Hùng vẽ ra để nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoa hồng, thù lao là có dấu hiệu lừa đảo.

Một trang thư ngỏ gửi các nhà đầu tư mà ông Paul Lê Hùng ký tên với chức danh là Đại diện Châu Á - Thái Bình Dương của quỹ nhân đạo quốc tế

Việc đã không còn giữ chức vụ gì mà vẫn sử dụng con dấu, ký tên vào Ủy nhiệm tiếp nhận “vốn vay” trị giá 2.000 tỉ đồng với chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tập đoàn LIZ, rồi gửi cho ông Đăng và ông Lắm có phải là vi phạm pháp luật?

Ở đây, chưa bàn về việc bộ hồ sơ tiếng nước ngoài có đóng mộc đỏ do ông Hùng cung cấp cho ông Đăng, ông Lắm và nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước khác có giá trị pháp lý gì hay không, cũng chưa bàn đến việc văn bản của một tổ chức nước ngoài sử dụng tại Việt Nam không được hợp pháp hóa lãnh sự có hợp pháp hay không, nhưng chỉ riêng với việc ông Hùng xác nhận không còn là Chủ tịch tập đoàn LIZ từ năm 2010, con dấu đã hết hiệu lực, thì các loại văn bản do ông Hùng ký, đóng dấu với chức danh Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Tập đoàn LIZ như: “Ủy nhiệm tiếp nhận vốn vay” trị giá 2.000 tỉ, tờ trình của liên danh LIZ - Vạn Phú gửi Bộ GTVT xin được làm chủ đầu tư các dự án BT và BOT “từ cấp tỉnh tới cấp quốc gia”… thì đã có đủ cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 267 BLHS đối với ông Hùng.

Tuy nhiên, cũng nói thêm rằng, nếu tập đoàn LIZ là một tổ chức “không có thật” thì tài liệu, hồ sơ, con dấu liên quan đến tập đoàn LIZ cũng không thể xem là con dấu, hồ sơ, tài liệu làm giả được, vì không có thật thì cũng không có giả. Ông Hùng sử dụng hồ sơ giả đó để nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoa hồng, thù lao của người khác là có dấu hiệu lừa đảo.

Từ những thông tin về ông Paul Lê Hùng cùng các phi vụ ký kết và nêu ra các gói viện trợ “khủng”, có thể thấy sự “mập mờ” về việc làm ăn của ông Hùng. Luật sư suy nghĩ gì trong trường hợp này, căn cứ vào pháp lý liệu có đáng tin vào nhiều điều ông Hùng đã trình bày ở trên?

Với một dự án tài trợ “khủng” lên đến 10 tỉ USD, tương đương trên 200.000 tỉ đồng Việt Nam, tôi nghĩ rằng không thể một mình ông Hùng có thể xoay sở nổi mà có thể có một tổ chức thực hiện. Vậy đứng đằng sau ông Hùng là ai? Hiện tại, ông Hùng không thừa nhận việc nhận 70.000 USD từ ông Đăng nhưng cũng thừa nhận nhiều lần nhận tiền từ ông Đăng, mỗi lần một, hai triệu làm lộ phí. Do đó, trong trường hợp điều tra xác định được mục đích của ông Hùng làm giả hồ sơ, tài liệu là nhằm chiếm đoạt tài sản; và đã chiếm đoạt số tiền có giá trị từ hai triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS.

Xin cảm ơn Luật sư Hồ Nguyên Lễ!

Trung Kiên

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *