Đầu tư 03/06/2014 20:05

Sản xuất những tháng tới có bị ảnh hưởng từ căng thẳng tại Biển Đông?

FICA - Theo HSBC, tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối hạn chế nhưng với một số ngành như dịch vụ du lịch thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

 
Hôm nay (3/6), kKhối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo về Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 6/2014 "Cái nhìn cận cảnh về FDI và Giao thương" .
 
Kể từ tháng 12, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam do HSBC công bố đã luôn ở mức trên 50, cho thấy xu hướng tăng trong lĩnh vực sản xuất. 
 
Sản lượng và số lượng đơn mua hàng khá mạnh do giá thành giảm và lực cầu bên ngoài mạnh hơn. Trong tháng 5, xuất khẩu vẫn tăng trưởng 2 con số dù có vài lúc bị suy giảm. 
 
Phần lớn các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Liệu sự cố căng thẳng về địa chính trị gần đây với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu? 
 
Đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong việc tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là khi khối đầu tư công và tư trong nước đang giảm. 
 
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên quá trình tăng trưởng. Số vốn FDI vào Việt Nam khá lớn so với GDP, tỉ lệ đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. 
 
Đa phần vốn FDI đến từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan. Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn nhỏ.
 
Vì thế, mối quan hệ kinh tế  giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là mối quan hệ đầu tư. Các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam. 
 
Tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối hạn chế nhưng với một số ngành như dịch vụ du lịch thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều. 
 
Du khách Trung Quốc đã chiếm tỉ lệ ngày càng cao hơn trong tổng số các du khách do thu nhập của họ được cải thiện. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số khách Trung Quốc du lịch đến Việt Nam tăng 26,1%.
 
HSBC dự đoán du khách đến từ Trung Quốc hiện đang chậm lại nhưng sẽ trở lại con số bình thường trong những tháng tới.
 
Trong khi đó, HSBC cho rằng, vẫn còn khá sớm để đưa ra kết luận nào, sự ảnh hưởng về dài hạn của tình hình căng thẳng chỉ được phân tích tốt nhất qua mối quan hệ giao thương của hai nước. 
 
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Phần lớn hàng hóa nhập từ Trung Quốc dùng là nguyên liệu cho sản xuất dệt may như vải sợi, bông và máy móc. 
 
Mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc mạnh hơn ở chiều nhập khẩu bởi nhiều nguyên vật liệu sản xuất của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do Việt Nam sử dụng nhân công giá rẻ và đất đai màu mỡ là yếu tố cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 
 
Các nhà lập pháp Việt Nam quan ngại về tỉ lệ ít nguyên liệu nội địa dùng cho sản xuất nhưng họ chỉ mới áp dụng vài biện pháp cứng rắn để khắc phục điều này. Sự kiện gần đây cho thấy nhiều khả năng sẽ tác động đẩy nhanh tiến trình cải cách chính sách để gia tăng nội lực trong việc liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Ngành dệt may và may mặc đặt chỉ tiêu đạt mức nội địa hóa 60% vào năm 2015 và chưa thể nói liệu mục tiêu này sẽ đạt được hay không. Tuy nhiên, nỗ lực này là cần thiết cho Việt Nam  trong việc giảm sự phụ thuộc vào việc nhập nguyên liệu đầu vào đáp ứng yêu cầu của TPP, đòi hỏi tỉ lệ nội địa hóa cao hơn cho các mặt hàng xuất khẩu. 
 
HSBC dự đoán trong vài tháng tới, tăng trưởng sẽ chậm lại nhưng vẫn giữ được tăng trưởng và ngành sản xuất vẫn giữ được tính cạnh tranh. 
 
Các đơn hàng mới khá mạnh phản ảnh cả lực cầu cao từ nước ngoài cũng như nỗ lực của nhà sản xuất giữ giá thành thấp để kích cầu. Với lực cầu từ Mỹ được dự báo sẽ cải thiện trong quý 2 năm 2014, nhu cầu cho hàng hóa Việt Nam sẽ tăng trở lại. 
 
Giá cả đầu vào tăng cao trong tháng Năm, phản ảnh chi phí hậu cần cao hơn. Tuy chi phi đầu vào tăng, các nhà sản xuất vẩn giữ giá cả đầu ra ổn định để tăng doanh số. 
 
Điều đáng lo nhất là sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng về việc làm trong ngành. HSBC cho rằng nhu cầu tuyển dụng sẽ có xu hướng đi theo chiều ngang trong vài tháng tới nhưng sẽ tăng cao hơn khi càng về cuối năm khi tăng trưởng được hồi phục.
 
Thục Anh
 
 
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *