Đầu tư 02/12/2014 10:21

Doanh nghiệp Châu Âu kiến nghị tăng giá điện

FICA - Trong buổi công bố Sách Trắng về về Các vấn đề Thương mại, Đầu tư và Kiến ghị năm 2015, đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần tăng giá bán và mua điện cao hơn nữa.

EuroCham đưa ra lập luận trong Sách Trắng năm 2015: Giá mua điện hiện được ấn định ở mức giá thấp vì những lý do mang tính xã hội, khi giá điện rẻ là 1 phần quan trọng cốt lõi trong các cam kết của Chính phủ với người dân. Mặc dù Quốc hội đã có những quyết định cho phép nâng giá điện, nhưng đây vẫn là vấn đề nhạy cảm và thận trọng của Việt Nam.

 

EuroCham kiến nghị tăng giá bán điện bình quân nhanh hơn để tạo điều kiện cho EVN tăng giá mua điện, kích thích đầu tư vào các loại hình điện gió, điện mặt trời.

 

Phải mất 8 năm và 10  lần điều chỉnh giá, giá điện bình quân mới tăng lên gấp đôi lên 1.509 đồng/kWh. Trường hợp tăng giá này vẫn thấp hơn chi phí phát điện bình quân cho dù giá than vẫn được trợ cấp. Giá điện cần tăng cao hơn.

 

Euro khuyến cáo, tăng giá điện sẽ hệ lụy trong ngắn hạn nhưng sẽ tốt hơn trong dài hạn của Việt Nam, đó là giúp tránh tình trạng lãng phí điện năng do sử dụng điện hoang phí, thúc đẩy cải cách kỹ thuật, công nghệ để tiết kiệm điện năng trong sản xuất và tiêu dùng. Bảo vệ môi trường và chống biến đổi đối với Việt Nam – 1 trong 10 nước chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, nếu tăng giá điện sẽ góp phần thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa vào ngành này như năng lượng gió, năng lượng mặt trời đang rất tiềm năng tại Việt Nam nhưng đang bị bỏ ngỏ.

 

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang mua điện với giá 7,8 cent (khoảng 1.600 đồng)/kWh và với điện gió, mức giá mua vào của EVN sẽ được Nhà nước trợ giá khoảng 207 đồng lên mức 9,8 cent/kWh. Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất điện gió mức này các DN đầu tư điện gió đang phải chịu lỗ, mức giá phải từ 12  -13 cent/kWh mới đủ chi phí của hộ.

 

Theo EuroCham, do sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam trong hai thập kỷ qua khiến nhu cầu điện của Việt Nam đang gia tăng đột biến. Tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao nhất thế giới khoảng 13.4% trong giai đoạn từ năm 2000 – 2012, vượt qua tăng trưởng nhu cầu điện của các nước Châu Á – Thái bình dương (6,7%), các nước Thái Lan (4,7%), Bắc Mỹ (0,6%) và Bắc Âu (0.4%).

 

EuroCham cho biết, về thị phần cung cấp điện năm 2013 vẫn chủ yếu là các nhà máy điện thuộc doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân chiếm thị phần rất nhỏ, không đáng kể khoảng 7%, cụ thể là các nhà máy điện thuộc EVN vẫn chiếm công suất phát điện cao nhất cho hệ thống khoảng 64%, con số này không đổi so với năm 2012, tiếp đến là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVN) 12%, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 5%. Đây là bức tranh thấy được khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân là rất khiêm tốn và hạn chế.

 

EuroCham cũng đưa ra nhận định về cung ứng điện của Việt Nam, hiện nhiệt điện chạy than đang chiếm cao với khoảng 23% thị phần, trong khi đó các nhà máy điện bằng năng lượng tái tại chỉ chiếm khoảng 6% cung ứng.

 

Đây là dư địa rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện tái tạo tại Việt Nam, nhất là khi các điều kiện về nguyên liệu cho các nhà máy điện chạy than của Việt Nam đang bị đe dọa bởi thiếu than. Tuy nhiên, để thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cần tăng giá mua điện gió, điện mặt trời từ EVN và Chính phủ cần có trợ giá cao hơn nữa mới thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn hơn.

 

Theo EuroCham, từ năm 2016 – 2022 Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ sau năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh. Tuy nhiên, dù đã có những quyết định ủng hộ lộ trình hướng tới thị trường cạnh tranh đầy đủ nhưng cho đến nay việc triển khai không được như kỳ vọng và không thể hiện được tính cấp thiết của vấn đề. Giá bán điện thấp và bị điều tiết được cho là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong vấn đề tài chính của EVN.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *