Thời sự 10/11/2014 16:49

Đầu tư vào đâu khi lãi suất lại giảm?

Lần thứ hai trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng, theo đó lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5% một năm. Lãi suất huy động tối đa bằng USD cũng giảm từ 1% xuống 0,75% một năm.

Theo khảo sát của PV Báo Lao Động cho thấy, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại các NHTMCP đang áp dụng hiện nay tương đối thấp, đơn cử như NH Đông Nam Á (Seabank) đang huy động ở mức là 5,1%/năm; NHTMCP Á Châu (ACB) 4,9%/năm, NHTMCP An Bình (ABBank) 5,1%/năm… Tại các NHTM quốc doanh mức lãi suất 1 tháng cũng không khá hơn, cụ thể Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam ở mức 4%/năm; Ngân hàng Quân đội (MB) 4,6%/năm...

 

 

So với thời kỳ lãi suất đỉnh cao (14%/năm) vào năm 2011 thì mức lãi suất hiện nay đã giảm 8,5% (đang là 5,5%). Với những người có khoản tiền nhãn rỗi (không lớn) nhẩm mức lãi suất ở 3 năm trước với mức lãi suất hiện tại sẽ không khỏi “tiếc nuối”, vì hiện tại sau ba năm, giá cả mọi thứ gần như không giảm, đa số còn tăng, trong khi đó tiền lãi thì giảm quá nửa. Tuy nhiên, để tính toán đầu tư vào lĩnh vực nào trong thời điểm vàng đang giảm sâu, chứng khoán chưa có nhiều khởi sắc, bất động sản tuy có ấm lên nhưng theo các chuyên gia cũng chỉ là do nhu cầu thực về nhà ở tăng bình thường trong những tháng cuối năm…là điều khiến nhiều người không khỏi đau đầu.

 

Theo một chuyên gia kinh tế, lãi suất giảm có thể khiến một số người rút tiền ra mua USD, vàng hoặc các kênh đầu tư khác. Khi đó, nguồn vốn của NH khả năng bị ảnh hưởng nhưng sẽ ở mức độ không đáng kể. Bởi, việc hạ lãi suất tiền gửi sẽ khó tránh khỏi sự phản ứng tức thời của người dân, nhưng rồi sẽ nhanh chóng lắng xuống. Vì cơ bản thì các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, USD vẫn khá rủi ro. Tỉ giá biến động rất ít nên đầu tư thì cũng không sinh ra tiền nhiều, còn vàng thời gian này lên xuống khá thất thường, bất động sản vẫn đóng băng, chứng khoán thì phức tạp. Do đó người dân nếu muốn an toàn vẫn nên gửi tiền NH.

 

Thực tế là 10 tháng qua, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nhưng lượng tiền NH huy động vẫn không hề giảm. Theo NHNN, đến ngày 24.10, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VND tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư - trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm - cho thấy gửi tiền vào hệ thống NH vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân.

 

Rõ ràng, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư vẫn rất nhiều. Họ thừa tiền, nhưng không dám mạo hiểm với số tiền họ có. Lý do khiến bộ phận người có tiền không dám đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh có thể là do nhà đầu tư chưa có niềm tin vào thị trường, cũng có thể do Việt Nam vẫn chưa có thị trường vốn đúng nghĩa. Những người tham gia thị trường vốn hiện nay chủ yếu vẫn là Chính phủ và tổ chức tín dụng. Nhiều người dân có tiền muốn đầu tư vào cũng không có cơ hội tham gia thị trường vốn, nên buộc họ phải chạy theo vàng, đôla, đầu tư tài chính…

 

Theo TS Lê Đăng Doanh, vấn đề cốt lõi của việc giảm lãi suất, cơ quan quản lý cần nghiên cứu làm sao để người dân lẫn DN nếu có rút tiền ra thì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra của cải vật chất cho xã hội chứ đừng để họ có tư tưởng đầu tư “lướt ván” kiếm lời. Nền kinh tế vẫn đang khó khăn và rất cần nguồn vốn để đầu tư nhiều hơn vào sản xuất thông qua việc cải tiến khoa học công nghệ, máy móc, đào tạo nhân lực, để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh tốt hơn.

Theo Quang Hùng

Lao Động

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *