Thời sự 22/11/2014 09:47

Áp dụng thông tư 36: Ai khóc, ai cười?

FICA - ACB, BIDV và Sacombank là các ngân hàng có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung-dài hạn tương đối cao nên Thông tư 36 sẽ là tin vui cho các ngân hàng này.

Ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tư 36/2014/TT-NHNN, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, quy định giới hạn cho vay và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thông tư mới này thay thế cho một số quy định trước đây như Thông tư 13/2010, Thông tư 19/2010, Thông tư 22/2011 và Thông tư 15/2009…

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo phân tích phát hành cùng ngày cho rằng, đây là sẽ tin vui cho các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Làm rõ vai trò của NHNN trong hoạt động cho vay kinh doanh cổ phiếu

Theo Bản Việt, ban đầu, các bên tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư cổ phiếu và các công ty chứng khoán rất quan tâm đến thông tư mới này vì họ tin đây là động thái thận trọng của NHNN trongviệc thắt chặt dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực tế, NHNN chỉ đơn giản áp trần cho vay đối với hoạt động kinh doanh cổ phiếu trong khi mức này hiện cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường:

- Cho vay đối với hoạt động kinh doanh cổ phiếu được áp trần tại mức 5% vốn điều lệ, trong khi mức trần 20% hiện tại được áp dụng đối với hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán nói chung, bao gồm trái phiếu và cổ phiếu. Theo quy định mới, các khoản vay này phải có thời hạn dưới 12 tháng.

Hoạt động này không được cho vay trung và dài hạn. Trên thực tế, vốn điều lệ toàn hệ thống tính đến cuối tháng 09/2014 đạt 436.000 tỷ đồng, do đó, mức trần tương ứng sẽ là 21.800 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), số dư cho vay ký quỹ tính đến cuối tháng 09/2014 là 15.000 tỷ đồng, trong khi theo ước tính của thị trường, có thêm khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn của các ngân hàng. Khó có thể xác định lượng tiền cho vay ký quỹ từ nguồn các ngân hàng chiếm bao nhiêu % trong con số 15.000 tỷ đồng mà UBCKNN cung cấp, nhưng chắc chắn không chiếm 100%, và phần 5.000 tỷ đồng theo ước tính của thị trường thì không có căn cứ chắc chắn để tính toán. Bản Việt rút ra kết luận rằng, mức trần ước tính 21.800 tỷ đồng cao hơn nhiều so với số tiền các ngân hàng tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ.

-Tuy nhiên, chỉ có các ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được phép cấp tín dụng cho hoạt động này. Theo Bản Việt, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% trong Quý 3/2014 sẽ xử lý bớt nợ xấu/bán nợ xấu cho VAMC trước thời điểm cuối năm 2014 để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Ngoài ra, các ngân hàng này cũng phải thỏa mãn các hạn mức tín dụng và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác theo quy định của Thông tư.

- Khoản cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được đảm bảo bằng chính cổ phiếu đó. Ngoài ra, ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư vào cổ phiếu của chính ngân hàng thương mại đó.

- Các ngân hàng không được phép cho vay hoặc ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của mình để đầu tư kinh doanh cổ phiếu và cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Điều này, theo Bản Việt, sẽ có tác động mạnh nhất đối với Công ty cổ phần Chứng khoán MB và Công ty Chứng khoán ACB, dù các khoản vay hiện tại sẽ được cho phép đáo hạn.

- Bên cạnh đó, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh cổ phiếu và bất động sản sẽ giảm từ 250% xuống còn 150%, điều này sẽ giúp các ngân hàng mở rộng tín dụng đối với hai lĩnh vực này. Điều này cũng dẫn đến sự phân hóa lớn trong tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đồng thời cũng là một giải pháp giúp các ngân hàng có tỷ lệ CAR thấp (bên cạnh một số điều chỉnh tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn [ROOM]). Giờ đây hệ thống ngân hàng có thể phát triển nhanh hơn hoặc có mức cổ tức tiền mặt cao hơn so với các mô hình phân tích tài chính trước Thông tư 36.

Theo Bản Việt, thật ra, các ngân hàng vẫn có thể cấp tín dụng cho việc đầu tư kinh doanh cổ phiếu và cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu như bình thường. Tuy nhiên, các ngân hàng nằm trong diện kiểm soát của NHNN sẽ không được phép thực hiện hoạt động này.

Cải thiện hệ thống ngân hàng và chuyển hướng tín dụng đến các hoạt động sản xuất

Thông tư 36/2014 ra đời dẫn đến một loạt các điều chỉnh đối với hệ thống ngân hàng. Theo Thông tư này, trần tín dụng đối với một nhóm khách hàng có liên quan không được vượt quá 25% vốn chủ sở hữu của ngân hàng, giảm từ mức 50% trong Thông tư 13, tỷ lệ này cũng áp dụng cho số dư bảo lãnh.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng vào diện phải giới hạn tín dụng với tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hang không vượt quá 25% và với một nhóm khách hàng có liên quan không vượt quá 50% vốn tự có.

Thay thế Thông tư 15/2009/TT-NHNN, Thông tư 36/2014 hiện cho phép các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung-dài hạn tối đa 60%, tăng mạnh từ 30% (Thông tư 15). Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi bị hủy bỏ trong Thông tư 22/2011 nhưng được áp dụng trở lại với mức 90%, cao hơn so với mức trước đó là 80%.

Theo báo cáo ngành ngân hàng tháng 11/2014 của Bản Việt, ACB, BIDV và Sacombank là các ngân hàng có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung-dài hạn tương đối cao nên Thông tư 36 sẽ là tin vui cho các ngân hàng này.

Trước đây, không có quy định về tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính Phủ của các ngân hàng. Tuy nhiên, giờ đây tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ so với vốn huy động ngắn hạn chịu mức trần 15% (đối với ngân hàng quốc doanh), 35% (đối với ngân hàng thương mai) theo Thông tư 36/2014. Các ngân hàng hiện đã vượt giới hạn này là Vietcombank: 18%, VietinBank: 19%, và MBBank: 42%.

Không còn sở hữu chéo

Bên cạnh đó, NHNN hiện tỏ rõ quyết tâm xử lý tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Các ngân hàng chỉ được phép sở hữu cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác. Đồng thời, các ngân hàng chỉ được phép sở hữu dưới 5% vốn cổ phần biểu quyết của tổ chức tín dụng khác. Đặc biệt, các ngân hàng không được phép bổ nhiệm nhân sự của mình vào vị trí quản lý tại các tổ chức tín dụng mà mình có cổ phần. Qua đó, NHNN tỏ rõ quyết tâm trong chiến dịch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của mình.

Theo nhận định của Bản Việt, Vietcombank sẽ không chịu ảnh hưởng nào trên thực tế, BIDV sẽ có thuận lợi lớn nhờ có thêm thời gian tìm đối tác chiến lược, và ACB gặp bất lợi một chút, dù mảng kinh doanh chứng khoán của ngân hàng này không đóng góp lợi nhuận đáng kể.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *