99,54% công chức “hoàn thành nhiệm vụ”: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Nếu 99,54% công chức “hoàn thành nhiệm vụ” thì chắc là bộ máy nhà nước và công việc của đất nước không phải như thế này...

Nếu 99,54% công chức “hoàn thành nhiệm vụ” thì chắc là bộ máy nhà nước và công việc của đất nước không phải như thế này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Hà Huy Thông bình luận về thông tin rất đáng chú ý tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

99,54% công chức “hoàn thành nhiệm vụ”: Đại biểu Quốc hội nói gì?Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Hà Huy Thông.

Sau khá nhiều lần đại biểu Quốc hội “đòi nợ” thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng đã công bố con số khá chi tiết về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó thì chỉ có 0,46% không hoàn thành nhiệm vụ. Ông nghĩ sao về con số này?

Tôi nghĩ đây chỉ là số liệu được là tập hợp từ các cơ quan gửi về chứ chưa có bộ lọc với các tiêu chí cụ thể.

Kết thúc chất vấn Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội có nói có một bộ phận không nhỏ cán bộ còn có nhiều sa sút, tài và đức chưa đáp ứng được yêu cầu, tinh thần phục vụ nhân dân còn nhiều bất cập. Và Chủ tịch cũng nói là quan trọng là xem lại xem cử tri có đồng tình không, nhân dân có đồng tình không mới quan trọng.

Theo cảm nhận của tôi thì để công bố con số đó với Bộ trưởng cũng không phải dễ dàng, có thể có số liệu từ trước mà hôm nay mới “buộc” phải nói ra vì tỷ lệ làm việc kém thấp quá, liệu công bố ra người ta có tin không. Điều đó làm cho người quyết định công bố phân vân là có nên công bố hay không.

Vâng, có thể là Bộ trưởng cũng chưa thực sự chắc chắn lắm về những con số mà Bộ nắm được, phải chăng nguyên nhân chính là từ độ tin cậy của phương pháp đánh giá, thưa ông?

Tôi rất thích câu nói của một người nước ngoài là “cây cổ thụ” về khoa học quản lý rằng công tác đánh giá bộ máy cán bộ công chức là thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.

Theo tôi, phải đánh giá từ rất nhiều góc độ khác nhau chứ không phải chỉ dựa vào bình bầu như cách hiện nay nhiều cơ quan vẫn làm. Ví dụ anh có thực hiện được mục tiêu công việc đề ra hay không, anh có đáp ứng được yêu cầu cử tri và nhân dân với tư cách là những người trả tiền thuế hay không. Hay dưới góc độ tài chính, công việc anh làm có xứng đáng với số tiền nhà nước đầu tư cho anh không. 

Cũng nên so sánh bộ máy với các nước khác người ta điều kiện giống mình người ta làm thế nào thì sẽ đánh giá khách quan hơn. Một số nước lớn dân số hàng trăm triệu người thì bộ máy của họ cũng chỉ hai triệu công chức, mình có 90 triệu dân thì cũng hai triệu người.

Trong trả lời thì Bộ trưởng cũng đề cập đến chỉ số cải cách thủ tục hành chính, chỉ số hành chính công là rất quan trọng, nó phản ánh người chịu tác động chính sách do anh vạch ra nghĩ gì về anh. Chẳng hạn những bộ trong lĩnh vực kinh tế thì doanh nghiệp trong lĩnh vực đó người ta nghĩ gì về anh như thế nào, mới là tiêu chí để đánh giá. 

Để đánh giá chính xác thì phải sử dụng tất cả các công cụ từ các góc độ chính trị, kinh tế, hành chính, pháp luật, có những nước ngưởi ta sử dụng công cụ thị trường. Đó là những công cụ cần tham khảo thêm.

Còn với cách đánh giá như của ta hiện nay, thì tôi nghĩ con số mà Bộ trưởng Bình công bố cần phải cân nhắc thêm, suy nghĩ sâu sắc hơn.

Bên cạnh chất lượng công chức thì lạm phát cấp phó cũng là vấn đề đang rất thời sự, nhưng phần trả lời của Bộ trưởng cũng khá lúng túng?

Tôi thấy lần này Bộ trưởng trả lời tốt hơn ở kỳ họp Quốc hội thứ 6.

Những vấn đề đại biểu nêu là xác đáng, Bộ trưởng đã trả lời tương đối cụ thể, thẳng thắn và có chính kiến cá nhân. Cán bộ là vấn đề rất khó, tế nhị ai, đã tích tụ của rất nhiều năm. Nên cái mà đại biểu quan tâm là thái độ cầu thị của anh thế nào, cách tiếp cận thế nào và thứ ba là phong cách của anh chứ không phải người ta không biết đó là vấn đề nóng.

Ví dụ về số lượng cấp phó thì Bộ trưởng nói “tôi đề nghị phải chốt cứng”, sau đó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình là phải chốt cứng. Đó cũng đang là vấn đề của một loạt dự án luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ… Theo tôi, chốt cứng là tốt. Thực ra ở mình chưa quen chứ trong quản lý nhà nước anh phải quản lý theo khối, quy định chức năng nhiệm vụ của từng vị trí việc làm thì cái chốt cứng chính là như thế.

 Cớ gì với chuyên viên anh quy định quản lý theo vị trí mà cấp trên lại không, càng cấp trên anh càng phải theo vị trí mới đúng.

Một vấn đề nữa được đại biểu nêu là trong hệ thống chức danh cán bộ những năm gần đây xuất hiện chức danh hàm, Bộ trưởng cũng khá thẳng thắn khi nói rằng trong các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về công tác bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về hàm. 

Vẫn liên quan đến câu chuyện "lạm phát cấp phó", Bộ trưởng nói Bộ Nội vụ đã làm gương khi chỉ có 4 thứ trưởng, nhưng cái làm gương này cũng chưa được lan tỏa. Theo ông không lan tỏa được có phải do các bộ nhiều việc nên cần nhiều thứ trưởng như một số lời giải thích đã quen thuộc?

Có bộ trưởng nói bộ có 4 thứ trưởng mà vẫn không đủ người đi họp. Vậy thì tại sao anh không phân cấp cho vụ trưởng, vụ phó đi họp, nếu đã thống nhất trong toàn hệ thống chính trị thì người ta sẽ chấp nhận cán bộ cấp vụ đi họp chứ không cần đến thứ trưởng.

Vấn đề ở đây là phải phân cấp, không chỉ đến thứ trưởng mà phải phân cấp rõ ràng cho cả vị trí cấp dưới tiếp theo, đó là vấn đề rất khoa học.

Nhưng hôm qua có đại biểu nói tôi rất đồng tình, nếu anh có nhiều cấp phó quá thì cấp trưởng làm gì. Tất nhiên bộ trưởng có rất nhiều việc quan trọng nhưng có thể có nhiều ông bộ trưởng sẵn sàng phân cấp hết và dẫn đến câu chuyện quy trách nhiệm khi xảy ra việc gì đó thì lỗi của ai, của ông phó phụ trách vấn đề đó hay của ông bộ trưởng.

Tôi rất thích câu nói “người điều hành giỏi nhất là người điều hành ít nhất”.

Đã là bộ trưởng thì không phải việc gì cũng xông vào mà chỉ đi sâu vào những vấn đề phức tạp để xử lý. Điểm đúng huyệt để tạo đột phá cái đó người bình thường không làm được, mà chỉ có nhà lãnh đạo, quản lý làm được thôi.

Theo Nguyên Hà

Vneconomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *