Thời sự 10/12/2014 14:02

"Bầu" Kiên: "800 ngày qua tôi đã không nói..."

Tại phiên tranh tụng chiều 9/12, bị cáo Kiên nói: "800 ngày qua tôi chưa được nói và đã cố gắng tập luyện để đứng vững tại toà nói liền 5 ngày. Trong đầu tôi có 1.000 trang chữ, chứ không chỉ vài trang. Tôi mong muốn trình bày với toà ngắn gọn."

Xin hẳn một ngày để nói về kinh tế Việt Nam

Bước vào ngày làm việc thứ 8 phiên xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, sau khi các luật sư trình bày phần bào chữa cho thân chủ của mình, bị cáo Kiên trình bày: “Sáng nay vợ tôi có thông qua các luật sư nhắn là không cần nói gì cả vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ… Từ sáng tới giờ, tôi chỉ đấu tranh việc có nói hay không. 800 ngày qua, tôi đã không nói. Hôm nay, tôi xin phép HĐXX cho phép nói”.

Trước đề nghị này, Chủ toạ Đặng Bảo Vĩnh nói: “Bị cáo được quyền nói, bào chữa trong phạm vi cấp sơ thẩm quy kết”.

Sau đó, bị cáo Kiên bắt đầu trình bày phần tự bào chữa: “Tôi cũng nói với các luật sư, các anh có thể nhiều kiến thức song các anh không nắm sâu về kinh tế. Tôi được tham gia từ đầu vào tất cả các luật. Đề nghị các anh nói bằng giấy để tránh sai sót cũng như ngoài kiểm soát của tôi”.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong phần tự bào chữa.

Trình bày về tội “Kinh doanh trái phép”, bị cáo Kiên cho rằng: "Việc đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp là đúng luật. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có khảo sát, đánh giá thực trạng việc cấp phép của Việt Nam vào các thời điểm bắt, khởi tố tôi hay không?"

Bị cáo Kiên đưa ra nhận định, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã không có đánh giá cụ thể, có những cái nhận định sai lệch. Việc nhận định đầu tư góp vốn là một hình thức núp bóng kinh doanh tài chính là nhận định sai lầm, ảnh hưởng tới độ an toàn của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam.

“Tôi đã nói với luật sư, nếu toà cho phép thì tôi có thể đăng ký với toà hẳn một ngày để nói về thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào. Một ngày để nói về thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam như thế nào” - bị cáo Kiên cho biết.

Trước những trình bày dài dòng, không đúng nội dung của bị cáo, Chủ tọa Đặng Bảo Vĩnh nhắc nhở sức khoẻ bị cáo đang ảnh hưởng, không nên mở rộng phạm vi bào chữa có thể không đủ sức. Tuy nhiên, bị cáo Kiên cho rằng: “Tôi đã cố gắng tập luyện để có thể đứng vững tại toà nói liền 5 ngày”.

Bị cáo Kiên cũng kiến nghị về việc ông Vũ Trần Tiến Anh - Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam rút kháng cáo về tội “Kinh doanh trái phép”. Đến nay, bị cáo Kiên vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam. Việc đại diện trước pháp luật là anh Tiến Anh có kháng cáo hay không kháng cáo thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Vì hành vi này đã không được báo cáo tới HĐQT và cũng chưa phê duyệt.

Bị cáo Kiên tiếp tục nói, bản thân bị cáo được coi là chủ mưu trong hành vi kinh doanh trái phép khẳng định Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trái phép vì: vàng là hàng hoá, động sản mà theo luật Thương mại 2005 quy định cụ thể rồi. Nên không cần thiết phải tranh luận vàng có phải hàng hoá không. Vì khi vàng đã là hàng hoá, công ty Thiên Nam có được phép kinh doanh không? Đương nhiên Công ty Thiên Nam được kinh doanh vì Công ty Thiên Nam được mua bán hàng hoá.

Đến phần bào chữa về tội “Trốn thuế”, bị cáo Kiên xin đọc kháng cáo nội dung này. Bị cáo cũng xin nộp đơn kháng cáo mới có điều chỉnh và xin ký để nộp luôn tại toà. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, bị cáo đã có 4 luật sư bào chữa, nhiều nội dung có thể trùng lắp nên bị cáo cần lưu ý nếu không sẽ không được trình bày.

Bị cáo Kiên khẳng định Công ty B&B không trốn thuế và đã yêu cầu vợ tôi làm văn bản gửi các cơ quan thuế có thẩm quyền xác định số thuế phải nộp nhưng chưa có cơ quan nào trả lời.

Bị cáo Lý Xuân Hải chỉ nhận... một nửa tội

Cũng trong buổi làm việc chiều nay, HĐXX cho bị cáo Lý Xuân Hải bổ sung các nội dung mà bản thân thấy cần thiết phải làm rõ. Bị cáo nói, các hành vi sai phạm chỉ nhận một nửa.

Lý giải về việc này, bị cáo Lý Xuân Hải dẫn chứng việc bàn cổ phiếu ACB có thể trong cuộc họp đó chỉ là chuyện cá nhân hoặc chuyện khác lại được hiểu là bàn mua cổ phiếu. Bị cáo chỉ biết việc này khi làm việc với kiểm toán, vì Công ty ACBS là một pháp nhân độc lập. Nhưng ở đây không có nghĩa bị cáo không có trách nhiệm. Nhưng bị cáo nghĩ quy cho tội cố ý làm trái là oan.

Bị cáo Lý Xuân Hải.

Bị cáo Lý Xuân Hải nói: “Việc làm của bị cáo và các thành viên khác trong Ngân hàng ACB có tác dụng nhất định đối với thị trường vốn. Đơn cử như đã vốn hóa được một lượng vàng lớn. Chính điều này đã giúp ACB luôn có nguồn dư vốn 30-40 tỉ đồng”.

Còn bị cáo Lê Vũ Kỳ không bổ sung ý kiến gì về phần bào chữa của các luật sư mà chỉ xin giảm nhẹ tội. Về cá nhân, bị cáo đã có đơn kháng cáo và sau đó là đơn xin giảm án. Các sai phạm ở Ngân hàng ACB xuất phát từ 2 nghị quyết của HĐQT, bị cáo chỉ là người tham gia nên phải có trách nhiệm trong đó.

Bước vào phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Trung Cang rơm rớm nước mắt. “Năm nay tuổi của tôi đã cao, sức khỏe của đã giảm rồi. Gia cảnh của tôi cũng khó khăn, có mẹ già 87 tuổi bị tai biến nằm một chỗ 7 năm nay. Gia đình tôi phải nói giấu mẹ là tôi qua Mỹ có việc chứ không dám nói bị bắt giam. Tôi không ngờ đến ngày cuối đời tôi phải đứng trước vành móng ngựa để nhận tội cố ý làm trái. Tôi thấy có thể do nhận thức chưa đúng thì tôi phải chịu trách nhiệm. Xin HĐXX cho tôi được hưởng án treo để tôi có cơ hội hòa nhập cộng đồng” – bị cáo Phạm Trung Cang nói.

 

Theo Thiên Minh

Petrotimes

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *