Giá vàng đi xuống

FICA - Sáng nay 15/8, giá vàng trong nước đồng loạt giảm nhẹ theo xu hướng đi xuống của giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á.

Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng nay 15/8, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 36,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,69 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 36,66 triệu đồng/lượng - 36,69 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

So với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM qua niêm yết của DOJI điều chỉnh giảm nhẹ mỗi chiều 20.000 đồng/lượng.

Cũng tại Hà Nội, báo giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý cho thấy, giá vàng SJC hiện niêm yết giao dịch ở mức 36,66 triệu đồng/lượng - 36,69 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ mỗi chiều 10.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Tại TPHCM, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 36,6 triệu đồng/lượng - 36,72 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 20.000 đồng/lượng.

Với mức giảm nhẹ trên, giá vàng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3,1 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, lúc 8h45 sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm nhẹ hơn 1 USD, giao dịch ở mức 1.311,6 USD/ounce.

Còn giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tăng 1,2 USD, lên 1.315,7 USD/ounce với khối lượng giao dịch thấp hơn 35% so với mức trung bình 30 ngày.

Giá vàng tăng trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế Mỹ không ổn định. Tuy nhiên, giá vàng đang chịu áp lực do đồn đoán kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn sẽ khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm nâng lãi suất.

Đối chiếu với phiên giao dịch hôm qua, giá vàng tăng phiên thứ 3 khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cao hơn dự báo, làm tăng đồn đoán lãi suất vẫn được giữ ở mức thấp.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng 21.000 đơn lên 311.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 9/8, ghi nhận mức cao nhất 6 tuần, trong khi dự báo trung bình của 48 nhà kinh tế học do Bloomberg khảo sát là 295.0000. Số đơn xin trợ cấp trung bình trong 4 tuần tăng lên 295.750 đơn.

Hôm thứ 4 vừa qua, báo cáo doanh số bán lẻ tháng 7 đáng thất vọng đã xoa dịu lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất sớm hơn dự đoán.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 9,4% khi xung đột tại Trung Đông và Ukraine làm tăng nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn. Nhưng trên thị trường vàng vật chất, theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng toàn cầu giảm trong quý II năm nay do doanh số bán vàng trang sức, vàng miếng và vàng xu giảm mạnh.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng thế giới quý II/2014 giảm 16% xuống 963,8 tấn do nhu cầu của Ấn Độ và Trung Quốc giảm. Nhu cầu vàng trang sức của Ấn Độ và Trung Quốc chiếm gần 60% tiêu thụ vàng trang sức toàn cầu.

Trong khi đó, một số thị trường phương Tây có dấu hiệu hồi phục với nhu cầu vàng trang sức tại Mỹ tăng 15% lên 26,1 tấn và tại Anh tăng 21% lên 3,6 tấn khi lòng tin của người tiêu dùng tiếp tục tăng cùng với tăng trưởng kinh tế và vàng quay lại lĩnh vực thời trang.

Quý II/2014, các ngân hàng trung ương đã mua thêm 117,8 tấn vàng bổ sung vào dự trữ, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự đoán năm nay các ngân hàng trung ương sẽ mua thêm 500 tấn vàng.

WGC dự đoán nguồn cung sẽ đạt đỉnh vào năm nay và “bình ổn” trong 12-18 tháng sau đó.

An Hạ

Chuyên mục: Vàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *