Quốc tế 29/12/2013 19:37

Những nền kinh tế tốt nhất năm 2013

FICA - Tiêu chuẩn đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đối với các nền kinh tế này gồm ít nhất 1 trong các tiêu chí như nợ ít nhất, nhận đầu tư nhiều nhất hay tăng trưởng nhanh nhất.

1. Brunei: Nợ ít nhất 


•    Tiêu chí: Nợ công
•    Nợ công trên GDP ước tính: 2,4%


Nguồn thu chính của Brunei là từ dầu mỏ và khí đốt. Điều kiện sống của 400.000 người dân Brunei khá cao: Họ không phải trả thuế thu nhập và có thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở Đông Nam Á. Quốc vương Sultan Hassanal Bolkiah được cho là một trong những người giàu nhất thế giới.


Brunei đang cố gắng giảm dần phụ thuộc vào dầu mỏ bằng cách thúc đẩy các ngành như ngân hàng, du lịch.

2. Guinea: Nhận đầu tư nhiều nhất


•    Tiêu chí: Tỷ lệ đầu tư trên GDP
•    Ước tính : 61,3%


Việc phát hiện các mỏ dầu vào những năm 1990 đã nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Guinea từ một quốc gia nông nghiệp. Các mỏ dầu này giúp Guinea nhận được nhiều đầu tư và trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở khu vực châu Phi.


Guinea xuất khẩu dầu mỏ sang Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, trong đó Nhật Bản là nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Guinea.

Dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực năng lượng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng của Guinea mặc dù quốc gia này tiếp tục đối phó với các vẫn đề xã hội như đói nghèo, tỷ lệ dịch bệnh cao.


3. Nam Sudan: Tốc độ phát triển nhanh nhất


•    Tiêu chí: Tăng trưởng GDP  
•    Ước tính: 24,7%


Hiện tại, Nam Sudan (vốn tách ra từ Cộng hòa Sudan năm 2011) đang trên bờ vực một cuộc nội chiến. Bạo lực ở đây leo thang kể từ sau âm mưu đảo chính tháng 12.


Trước đó, trong năm 2013, quốc gia trẻ nhất thế giới này đã trở lại bình thường sau căng thẳng với Sudan buộc chính quyền ngừng các hoạt động sản xuất dầu và gây ra tình trạng giảm tốc kinh tế nhanh chóng vào năm 2012. Hoạt động sản xuất dầu được nối lại vào tháng 4 năm nay và giúp kinh tế Nam Sudan tăng trưởng mạnh trở lại.


4. Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất thế giới


•    Tiêu chí: Quy mô kinh tế
•    Ước tính: 16,7 nghìn tỷ USD


Đến nay, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô nền kinh tế năm 2013 ước tính đạt 16,7 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi quy mô kinh tế của Trung Quốc là 8,94 nghìn tỷ USD.


Đà phục hồi của kinh tế Mỹ cho phép Cục dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu giảm tốc độ bơm tiền vào nền kinh tế từ tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn chưa nhận được lợi ích từ sự đi lên của nền kinh tế, đặc biệt là những người thất nghiệp dài hạn, trong khi đó, tăng trưởng tiền lương hạn chế và lãi suất vay thế chấp cao cũng ảnh hưởng đến các bộ phận dân cư khác.


5. Luxembourg: Thu nhập bình quân đầu người cao nhất


•    Tiêu chí: Thu nhập nhập bình quân đầu người
•    Ước tính: 110.573 USD


Hai năm liên tiếp, Luxembourg là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Điều này là nhờ Luxembourg có lượng dân số ít, một nền kinh tế định hướng tài chính và ổn định. Xét theo thu nhập nhập bình quân đầu người , Luxembourg vượt qua cả Qatar (104.655 USD).


Mức sống ở Luxembourg rất cao. Ở đây có rất nhiều người nước ngoài làm trong các dịch vụ tài chính. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 của Luxembourg được dự báo sẽ nhanh hơn các nước khác trong khu vực đồng euro (eurozone).


Phương Linh
Theo CNNMoney

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *