Quốc tế 09/06/2014 16:12

Doanh nghiệp Nga chuyển từ USD sang Nhân dân tệ

FICA - Chuyển sang mở tài khoản giao dịch bằng NDT, đôla Hongkong hay đôla Singapore khẳng định nỗ lực của Nga trong việc xoay trục sang châu Á do quan hệ với châu Âu trở nên căng thẳng.

Các công ty Nga đang chuyển dần các hợp đồng sang thanh toán bằng Nhân dân tệ và các đồng tiền châu Á khác do lo ngại rằng cấm vận Phương Tây sẽ ngăn cản nước này tham gia vào thị trường USD, hai lãnh đạo ngân hàng hàng đầu cho biết.  
 
“Trong vài tuần vừa qua, các tập đoàn lớn của Nga bắt đầu để tâm nhiều tới việc sử dụng các sản phẩm bằng đồng Nhân dân tệ và các loại tiền châu Á khác, cũng như mở tài khoản tại khu vực châu Á”, Pavel Teplukhin, Giám đốc ngân hàng Deutsche Bank tại Nga cho biết. 
 
Andrei Kostin, Tổng giám đốc ngân hàng quốc doanh VTB cho biết, việc mở rộng sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài USD là một trong những nhiệm vụ chính của ngân hàng này. 
 
“Với quy mô thương mại song phương của Nga với Trung Quốc, tăng cường thanh toán bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình và chúng tôi đang tiến hành kế hoạch này”, trong buổi họp với tổng thống Nga Vladimir Putin, ông này cho biết “ngân hàng đã đang triển khai kế hoạch này từ tháng 5.” 
 
Hành động chuyển sang mở tài khoản giao dịch bằng Nhân dân tệ, đô la Hồng Kông hay đô la Singapore khẳng định nỗ lực của Nga trong việc xoay trục kinh tế sang khu vực châu Á do quan hệ với châu Âu trở nên căng thẳng. 
 
Lệnh cấm vận khiến các công ty của Nga giảm phụ thuộc vào thị trường tài chính phương Tây khi Mỹ và các ngân hàng tại Châu Âu giảm mạnh hoạt động cho vay đối với Nga kể từ sau động thái sáp nhập Crimea vào Nga tháng 3 vừa qua. 
 
Ngân hàng trung ương Nga đang nỗ lực thiết lập một hệ thống thanh toán quốc gia nhằm giảm phụ thuộc vào các công ty phương Tây như Visa hay MasterCard. 
 
“Việc Nga cố gắng giảm phụ thuộc vào đồng USD không có gì là sai, thực tế đây là điều hoàn toàn hợp lý.” Lãnh đạo tại một ngân hàng châu Âu tại Nga nhận xét. Ông này nói thêm rằng, việc Nga sử dụng đồng USD thường xuyên trong các giao dịch quốc tế khiến nước này phải hứng chịu rủi ro biến động thị trường trong thời kì khủng hoảng. “Không có lý do gì Nga phải giao dịch thương mại với Nhật bằng đồng USD”.
 
Giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất tại Nga có 70% doanh thu đến từ các hợp đồng xuất khẩu bằng USD cho biết, công ty của ông đã hoàn thành bước đầu xây dựng cơ sở để chuyển việc thanh toán sang các loại tiền  khác trong trường hợp lệnh cấm vận có thể đi xa hơn. “Nếu điều tồi tệ hơn xảy ra, chúng tôi sẵn sàng chuyển sang thanh toán bằng các loại tiền tệ khác như Nhân dân tệ hay đô la Hồng Kông”, ông này cho biết. 
 
Alexander Dyukov, tổng giám đốc điều hành bộ phận dầu của Gazprom cho biết, công ty đang thảo luận với khách hàng khả năng chuyển sang thanh toán bằng các loại tiền không phải USD, trong khi Norilsk Nickel nói chuyện với nhật báo Financial Times rằng công ty đang thảo luận chuyển các hợp đồng dài hạn với khách hàng Trung Quốc sang thanh toán bằng Nhân dân tệ. 
 
“Có vẻ như đây không phải là hành động nhất thời mà là một xu hướng”, ông Teplukhin tại ngân hàng Deutsche Bank cho biết. Ông này cho rằng các công ty của Nga có khả năng khắc phục rủi ro cấm vận lớn hơn từ Mỹ bằng cách “thay đổi điều khoản hợp đồng cho phép thay đổi đồng tiền thanh toán nếu cần thiết”. 
 
Một số chính trị gia đã đề nghị Moscow phản ứng lại lệnh cấm vận của phương Tây bằng cách hoàn toàn chấm dứt sử dụng USD trong nền kinh tế của Nga. 
 
Trong các cuộc thảo luận gần đây với các công ty lớn về vấn đề làm thế nào để nền kinh tế vững vàng hơn, chính phủ Nga ủng hộ việc các công ty về niêm yết trong nước và thanh toán giao dịch bằng các đồng tiền khác ngoài đồng USD. Chính phủ hoàn toàn từ chối các biện pháp cực đoan hơn. 
 
“Chừng nào nước Nga chưa phải đối mặt với những lệnh cấm vận hệ thống dẫn đến ngăn cản nền kinh tế tiếp cận đồng USD…thì tôi không nghĩ rằng Nga sẽ tiến hành loại bỏ đồng USD ra khỏi nền kinh tế của mình”, Andrei Belousov, cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin cho biết. 
 
Phương Linh
Theo FT
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *