Thời sự 15/01/2014 09:26

TPBank lên tiếng về trách nhiệm lãnh đạo trong vụ Huyền Như

FICA - TPBank khẳng định, các hoạt động ủy thác đầu tư của ngân hàng với một số công ty tại thời điểm năm 2011 là hợp pháp, đặc biệt, TPBank không ủy thác cho Huyền Như. Do đó, đề xuất của đại diện VKSND TPHCM “chưa đúng bản chất của sự việc”.

 Phòng giao dịch của TPBank.

Liên quan đến thông tin về việc Viện Kiểm Sát TPHCM có đề xuất xem xét trách nhiệm của lãnh đạo các ngân hàng có liên quan (gồm cả Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong - TPBank) trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) vừa phát đi thông cáo báo chí cho biết:

Các vụ việc liên quan đến vụ án trên đã xảy ra từ năm 2011, các lãnh đạo ngân hàng có liên quan trực tiếp đến vụ việc hiện đều không còn làm việc tại TPBank nữa, vì vậy việc này không hề có ảnh hưởng đến tình hình hoạt động đang rất ổn định và hiệu quả của TPBank hiện nay.

Tuy vậy, để làm rõ quan điểm của TPBank về các vấn đề liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ngân hàng này đã có công văn chính thức gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM và Tòa án Nhân dân TPHCM khẳng định, TPBank đã làm đúng các quy định pháp luật liên quan.

Theo TPBank, các hoạt động Ủy thác đầu tư của TPBank với một số Công ty tại thời điểm năm 2011 là hợp pháp, đúng qui định pháp luật. Chiếu theo Giấy phép Thành lập và Hoạt động số 123/GP-NHNN của TPBank được Ngân hàng Nhà nước cấp ngày 05/5/2008 đã ghi rõ, TPBank được “Ủy thác, nhận ủy thác, làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng ủy thác, đại lý”.

Liên quan tới vụ án Huyền Như đang gây xôn xao dư luận, TPBank cho biết: “Ngân hàng thực hiện Ủy thác đầu tư cho các công ty có chức năng nhận Ủy thác đầu tư, chứ không phải là ủy thác cho Huỳnh Thị Huyền Như hay bất cứ cá nhân nào”.

Theo trình bày của ngân hàng, giao dịch ủy thác giữa TPBank và các công ty nhận ủy thác là giao dịch độc lập và tách biệt hoàn toàn với giao dịch đầu tư của các công ty đó thực hiện với đối tác khác, nên không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định trách nhiệm của Đơn vị Ủy thác trong việc các Đơn vị nhận Ủy thác không thu hồi được tiền đầu tư kể cả việc Đơn vị nhận Ủy thác bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đầu tư (nếu có).

“Việc thu hồi số tiền đã bị thất thoát trong tài khoản của các Công ty Nhận ủy thác đầu tư này tại Vietinbank là quyền lợi, trách nhiệm của các Công ty này với tư cách là Chủ tài khoản mở tại Vietinbank. Các Công ty này có thể sử dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để thu hồi số tiền này từ các Tổ chức/Cá nhân đã gây thiệt hại cho họ. Điều này hoàn toàn không liên quan đến TPBank”, thông cáo báo chí nhấn mạnh.

Trước những lập luận đó, TPBank bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi thấy thông tin về việc Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TPHCM - giữ quyền công tố trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo cho rằng TPBank đã vi phạm qui định pháp luật khi thực hiện ủy thác đầu tư, ... từ đó đề nghị xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo trước đây của TPBank (nếu có) là chưa phù hợp với thực tế và chưa đúng với bản chất của sự việc”.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *