Thời sự 14/01/2014 16:28

Hệ thống ngân hàng “gồng gánh” nền kinh tế

FICA – Mạng lưới ngân hàng đã tăng trưởng “chóng mặt” về quy mô trong vòng hơn 2 thập kỷ, tuy nhiên, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh khoản, chất lượng cho vay và còn những lỗ hổng trong giám sát.

 

 

Tại báo cáo về thị trường tài chính Việt Nam do Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKT) vừa phát hành mới đây, nhóm nghiên cứu đánh giá, nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính Việt Nam nói riêng hiện vẫn đang dựa chủ yếu vào hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 7/2013, tổng tài sản hệ thống TCTD đạt gần 5,25 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với thời điểm cuối năm 2012 (tỷ lệ so với GDP vào cuối năm 2012 là 156,7%, giảm so với 192,9% vào năm 2011).

Trong đó, tổng tài sản của nhóm các NHTM nhà nước đạt gần 2,29 triệu tỷ đồng, còn của nhóm các NHTM cổ phần đạt gần 2,18 triệu tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm tháng 7/2013, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống TCTD đạt gần 3,26 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,36% so với thời điểm cuối năm 2012 (tỷ lệ so với GDP vào cuối năm 2012 là 95,24%).

Quy mô tín dụng và tài sản tăng mạnh gắn liền với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các TCTD trong những năm gần đây.

Nếu như năm 1991, Việt Nam mới có 9 NHTM thì đến năm 1999, con số này đã tăng lên 57 NHTM (5 NHTM nhà nước, 48 NHTMCP, 4 ngân hàng liên doanh), và 26 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đến tháng 6/2013, toàn bộ hệ thống đã có 51 NHTM (6 NHTM nhà nước, 1 ngân hàng Chính sách, 35 NHTMCP trong nước, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài), 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài.

Ngoài các NHTM, hệ thống các TCTD Việt Nam hiện còn có các TCTD phi ngân hàng (18 Công ty tài chính, 12 Công ty cho thuê tài chính, 1 tổ chức tài chính vi mô), hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (1 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương với gần 1100 quỹ thành viên).

Tỷ lệ nợ xấu đáng lo ngại

Mặc dù có sự mở rộng khá nhanh cả về quy mô và phạm vi hoạt động, tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, hệ thống các TCTD tại Việt Nam cũng bộc lộ một số vấn đề tiềm ẩn.

Theo đó, hệ thống các TCTD dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng và nghiệp vụ huy động - cho vay mang tính truyền thống. Trong khi đó, bản thân quy mô, kinh nghiệm, trình độ quản trị, áp dụng công nghệ và phát triển sản phẩm dịch vụ mới có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm TCTD.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, cạnh tranh trong hoạt động huy động - cho vay phần nào còn mang tính chiếm lĩnh thị trường và trong bối cảnh hoạt động giám sát còn dư địa để cải thiện, chưa đạt hiệu quả cao nhất.

Bản thân thanh khoản và dư nợ tín dụng của các TCTD cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của các chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian qua - vốn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung cũng như định hướng, mục tiêu chính sách tiền tệ nói riêng.

Trước tình hình tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu trở nên đáng lo ngại và buộc Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành phải có những biện pháp quyết liệt góp phần xử lý nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 3,07% vào cuối năm 2011, 4,08% vào cuối năm 2012 và 4,62% vào tháng 9/2013. Tuy nhiên, nhiều ước tính phi chính thức khác cho thấy tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn.

Điểm quan trọng là rủi ro nợ xấu buộc các NHTM phải tập trung nhiều hơn vào các “làm sạch” bảng kế toán của mình và ít dành ưu tiên hơn cho chức năng là kênh phân bổ vốn của nền kinh tế.

Rủi ro thanh khoản vẫn tăng cao

Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng, rủi ro thanh khoản tăng cao, các TCTD phải đối mặt với trạng thái căng thẳng thanh khoản, dù tình hình hiện đã cải thiện hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2011. Tại nhiều thời điểm, dư nợ cho vay vượt so với huy động tiền gửi của toàn hệ thống.

Tỷ lệ cho vay so với huy động tiền gửi toàn hệ thống chỉ giảm xuống mức 89,35% vào cuối năm 2012, và chỉ còn 86,19% vào tháng 8/2013 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Trên một phương diện khác, hệ thống các TCTD vẫn phải đối mặt với tình trạng mất cân đối giữa cho vay và huy động ngoại tệ, nhất là các thời điểm các doanh nghiệp phải chi trả cho các giao dịch nhập khẩu.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) toàn ngành, dù phần nào được cải thiện, vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đến tháng 8/2013, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ ở mức 13,76%, tương đương với mức cuối năm 2012 (13,75%), dù cao hơn so với cuối năm 2011 (11,62%).

Những vấn đề, rủi ro trên là không mới, mà đã hiện hữu trong nhiều năm trước. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống các TCTD mà trọng tâm là các NHTM từ năm 2011, song song với các biện pháp xử lý nợ xấu và phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp với tăng cường hiệu quả giám sát các TCTD.

Bên cạnh đó, tác động trễ của nhiều biện pháp tăng cường an toàn vốn của các TCTD trong các năm trước đó cũng dần được củng cố. Kết quả là nhiều vấn đề, rủi ro đã giảm bớt so với giai đoạn trước đây.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, những chuyển biến bước đầu đối với hệ thống các TCTD là rất đáng ghi nhận, song sẽ còn cần thêm nhiều nỗ lực để tiếp tục lành mạnh hóa các TCTD hướng tới sự phát triển bền vững của toàn hệ thống.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *