Thủ tướng: Cho phép xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm

FICA - Việc xây dựng sân golf và một số công trình thể thao phù hợp nhằm sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của Sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định việc xây Sân bay Long Thành là hợp lý.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, tại phiên chất vấn Thủ tướng, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi, "Vì sao có sân golf trong Sân bay Tân Sơn Nhất và vì sao Sân bay Biên Hòa, Cần Thơ và một số sân bay khác còn hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả lại đầu tư Sân bay Long Thành?". Đồng thời, vị đại biểu cũng đề nghị Thủ tướng nói rõ hơn việc xả lũ thủy điện không đúng quy định và sự chỉ đạo của Thủ tướng để khắc phục vấn đề này.

 

Trong văn bản trả lời đăng tải ngày 13/1, Thủ tướng cho biết, theo đề nghị của các Bộ Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf và một số công trình thể thao phù hợp (như nhiều nước đã làm), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Quốc phòng lập quy hoạch các sân golf nói trên, quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ của từng dự án, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động bình thường của sân bay và phù hợp với Quy hoạch chung của hai Thành phố.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, công tác này phải được thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng và thuê đất, trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất thì phải trả lại và không được bồi thường.

Thủ tướng cũng khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm kinh tế và có nhu cầu vận tải hàng không lớn nhất của cả nước, đòi hỏi phải có cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trung chuyển quốc tế và nội địa.

Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa khoảng 25 triệu hành khách/năm, nằm trong trung tâm thành phố, mật độ dân số cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng sân bay không còn, không có hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng, không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh theo giãn cách tối thiểu ICAO quy định (1.340 m).

Do đó, việc mở rộng để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi. Mặt khác, Thủ tướng cũng lưu ý, vị trí rất gần với Sân bay quân sự Biên Hòa nên việc sử dụng đồng thời 2 sân bay sẽ bị hạn chế bởi năng lực của vùng trời, đặc biệt là khi tần suất khai thác ngày càng tăng cao.

Theo khẳng định của người đứng đầu Chính phủ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giao thông qua cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng bổ sung cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã có trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không cả nước. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai các thủ tục lập Báo cáo đầu tư để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trước khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi được Quốc hội thông qua thì mới triển khai các thủ tục kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện.

Cổ phần hóa trên 500 doanh nghiệp Nhà nước đến 2015

Về xả lũ thủy điện, đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập đến trong kỳ họp vừa qua. Thủ tướng cho hay, việc vận hành tích nước, xả lũ các hồ chứa nước, bao gồm cả hồ chứa thủy lợi, thủy điện là để điều tiết nước phục vụ sản xuất, đời sống và bảo đảm an toàn cho người dân và công trình.

Theo quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, trường hợp vận hành xả lũ hồ chứa làm dâng đột ngột mức nước tại hạ lưu thì chủ đập phải có biện pháp báo động, thông báo trước để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có dung tích nhỏ, nhất là các hồ chứa thủy điện nên khả năng điều tiết lũ kém.

Đồng thời, việc dự báo sớm dòng chảy đến các hồ chứa còn khó khăn dẫn tới việc vận hành tích nước, xả lũ của hồ chứa còn bị động, thời gian thông báo xả lũ ngắn. Do đó, việc cắt giảm lũ cho hạ du trong một số trường hợp vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại do xả lũ; rà soát điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý an toàn đập.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ ban ngành cũng đã ban hành và tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành hồ và liên hồ chứa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du để chủ động ứng phó khi các hồ chứa xả lũ. Nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo sớm về tình hình mưa lũ. Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, báo động xả lũ, trước hết là đối với các hồ thủy điện, thủy lợi dung tích lớn.

Liên quan đến nội dung chất vấn của các đại biểu về lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đến chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh, tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích.

Thủ tướng cho cho biết, thời gian tới sẽ hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Đồng thời kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động theo quy định của pháp luật và khẳng định sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Mục tiêu của Chính phủ là đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 trên tổng số 1.069 doanh nghiệp nhà nước.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *